(Baonghean.vn)-Huyện Nghi Lộc hiện có trên 1.476.000 con gia cầm, đang đối mặt với nguy cơ H5N1, H7N9 xâm nhập. Đáng lo ngại là nhiều người chăn nuôi lại tỏ ra thờ ơ với việc phòng chống dịch.
Gà chết vứt bừa bãi
Ông Đặng Viết Thao ở xóm 6, xã Nghi Công Nam là người thường xuyên thu dọn và tiêu hủy rác ở bãi rác cây đa bến Nẩy (thuộc xóm 6, xã Nghi Công Bắc) cho biết: “Từ ngày 8 đến 13/2, tôi đã phát hiện tại đây có 26 con gà chết. Sáng ngày 15/2, tiếp tục có 2 bì đựng gà được vứt ra bãi rác, đếm có 31 con, trong đó có nhiều con đang sống”.
Sau khi được thông báo vụ việc, chính quyền xã Nghi Công Bắc đã cử cán bộ đến hiện trường rải vôi bột khử trùng và tiêu hủy số gà này. Ông Nguyễn Văn Lý - Chủ tịch UBND xã Nghi Công Bắc cho biết: “Chính quyền xã cũng đã kiểm tra các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn nhưng không phát hiện số gà chết này của ai”.
Hàng trăm hộ chăn nuôi không tiêm phòng dịch
Thực hiện Công điện số 29/CĐ.UBND của UBND huyện Nghi Lộc “Về việc tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm hiện nay”, Trạm Chăn nuôi thú y huyện phân công cán bộ bám địa bàn, tuyên truyền cho nhân dân chủ động tiêm vắc - xin phòng chống dịch cúm H5N1, nhưng chỉ có 19 hộ chăn nuôi gia cầm tập trung theo phương pháp công nghiệp thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng; còn khoảng 500 hộ chăn nuôi gia cầm theo kiểu tận dụng mặt nước ao hồ, thả rông với quy mô từ 300 - 5.000 con/lứa thì lơ là, không có thực hiện .
Ông Nguyễn Đình Phú ở xóm 1, xã Nghi Hoa nuôi 2.000 con vịt đẻ và 5.000 con vịt thịt. Ông chỉ tiêm phòng cho số vịt đẻ, còn số vịt thịt nuôi thả trên ao hồ thì không. Theo ông Phú: “Vịt đẻ được tiêm phòng vì nuôi dài ngày. Số vịt thịt chỉ nuôi thời gian 50 ngày là xuất bán nên không cần tiêm phòng để bớt chi phí. Nếu rủi ro bị dịch thì mình chịu”.
Xã Nghi Quang được đánh giá là vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, có trên chục hộ chăn nuôi gà, vịt quy mô lớn hàng chục nghìn con/lứa. Hầu hết, số vịt nuôi thả rông ở khu vực ven đê sông Cấm và không được tiêm vắc - xin phòng dịch.
Chị Nguyễn Thị Thùy Vân - cán bộ địa chính nông nghiệp xã Nghi Quang cho biết: “Vắc-xin phòng dịch cúm gia cầm hiện nay không còn được cấp như trước mà người chăn nuôi phải mua với phí 1.000 đồng/liều. Với mục đích giảm chi phí đầu vào, phần lớn hộ chăn nuôi đã làm ngơ với việc tiêm phòng dịch cúm gia cầm. Mặc dù xã đã gửi thông báo chủ trương tiêm phòng nhưng đến nay vẫn chưa có ai đăng ký mua vắc-xin ”.
Ông Trần Quốc Cường - Trưởng trạm chăn nuôi thú y huyện Nghi Lộc cho biết thêm: “Trước tình hình các huyện phụ cận đã xảy ra dịch cúm gia cầm, chúng tôi khuyến cáo bà con quản lý chặt chẽ việc nhập đàn và xuất đàn để không du nhập các gia cầm mắc bệnh vào địa bàn”.
Lê Minh