bna___mai_hoa_22911266_5112018.jpgBà Thái Thị An Chung - Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi
Cưỡng chế tháo dỡ 117 công trình vi phạm

Nghi Lộc là địa bàn có khá nhiều tuyến giao thông đi qua, bao gồm 5 tuyến quốc lộ; 5 tuyến tỉnh lộ; 22 tuyến đường huyện và tuyến đường sắt đi qua dài 16 km gắn với 19 đường ngang, đường dân sinh.

Theo lãnh đạo UBND huyện, Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND, ngày 16/12/2016 của HĐND tỉnh quy định về một số biện pháp giải tỏa vi phạm hành lang ATGT là cơ hội để Nghi Lộc tập trung cao độ triển khai nhiều giải pháp giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn.

Theo ông Hoàng Mạnh Hùng - Phó trưởng Công an huyện Nghi Lộc, mặc dù Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh có quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức nhưng đến nay chưa có cá nhân nào bị xử lý, trong khi đó một số cấp ủy, chính quyền và ngành chưa thật sự quyết liệt ở công tác đảm bảo hành lang ATGT. Ảnh: Minh Chi

Theo đó, song song với công tác tuyên truyền, vận động và ký cam kết đến tận các hộ dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm cũng như không tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông, huyện cũng quyết liệt tiến hành cưỡng chế đối với các trường hợp không tự giác chấp hành.

Trong gần 2 năm Nghi Lộc triển khai thực hiện Nghị quyết 56/2016/NQ-HĐND, đã có 4.282/4.952 trường hợp tự nguyện tháo gỡ công trình vi phạm trên các tuyến giao thông. Huyện cũng đã tổ chức cưỡng chế tháo dỡ 177 trường hợp, trong đó có nhiều công trình kiên cố nhà 2 tầng vi phạm hành lang ATGT.

 

Khó giải quyết tái lấn chiếm

Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, hiện nay huyện chưa có giải pháp hữu hiệu để chống tái lấn chiếm, sử dụng hành lang an toàn giao thông trái phép sau giải tỏa. Nguyên nhân là trong thời gian ra quân giải tỏa vi phạm có các lực lượng vào cuộc quyết liệt và sau đó không có lực lượng để duy trì.

Ngoài ra, khó khăn lớn nhất hiện nay là trên nhiều tuyến đường, có những công trình nhà ở, ki ốt kinh doanh, mái che nằm trong chỉ giới hành lang an toàn giao thông, làm che khuất tầm nhìn và gây nguy cơ mất an toàn giao thông, nhưng không thể giải tỏa bởi diện tích này của các tổ chức, cá nhân đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất .

Từ thực tiễn này, ông Nguyễn Đức Thọ kiến nghị UBND tỉnh cần nghiên cứu để có nguồn hỗ trợ cho địa phương tiến hành đền bù để giải tỏa các trường hợp nói trên.

Đoàn khảo sát tuyến Quốc lộ 48 E. Ảnh: Minh Chi

Kết luận tại cuộc làm việc, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thị An Chung cho rằng, để Nghị quyết số 56/2016/NQ-HĐND tiếp tục triển khai có hiệu quả, đề nghị huyện duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo cấp huyện và cấp xã, xác định rõ trách nhiệm từng thành viên và tổ chức kiểm tra, đánh giá trách nhiệm, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện.

Huyện cũng cần đổi mới công tác tuyên truyền phù hợp, trong đó cần xác định phạm vi giải tỏa để tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tạo sự lan tỏa thật sự về hành động trong các tầng lớp nhân dân. Gắn với đó là có biện pháp giải tỏa 493 trường hợp, đồng thời có giải pháp chống tái lấn chiếm và duy trì biện pháp bảo vệ hành lang an toàn giao thông.