Thực tế này lý giải phần nào về lý do năng suất lao động của các doanh nghiệp trong những tháng đầu năm luôn thấp hơn các tháng còn lại.

Những năm gần đây, cứ sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, nhiều Khu công nghiệp lại vắng bóng công nhân.

Giới chủ đau đầu vì phải hết tháng Giêng, lao động phổ thông mới trở lại làm việc do dư âm hội hè sau dịp Tết. Một số công sở cũng vắng bóng người làm vì những đoàn “du xuân” được tổ chức rầm rộ. Thực tế này lý giải phần nào về lý do năng suất lao động của các doanh nghiệp trong những tháng đầu năm luôn thấp hơn các tháng còn lại.

Phóng viên  phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam về vấn đề này.

images1461740_ong_nguyen_an_tuan_ccnt.jpgÔng Nguyễn Anh Tuấn-Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam

PV: Thưa ông, thông thường sau kỳ nghỉ tết, tình trạng công chức, viên chức tại nhiều cơ quan, đơn vị hay công nhân tại các khu công nghiệp nghỉ việc, nhảy việc rất nhiều. Còn năm nay, theo dự báo của ông sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cho rằng đối với công chức, viên chức hoặc cán bộ quản lý của các doanh nghiệp nhìn chung là ít có tình trạng nhảy việc sau tết. Tuy nhiên, đối với lao động, chắc là tình trạng này vẫn chưa thay đổi, nhất là lao động tại các khu công nghiệp hoặc lao động trong các ngành nghề mà công việc đơn giản và thu nhập không cao.

Tết đến những người lao động có điều kiện gặp gỡ nhau, có thông tin chia sẻ về công việc mới, nhiều người sẽ đổi việc nếu thông tin có chỗ làm việc có thu nhập cao hơn. Cũng có một số người trước đây làm ở các khu công nghiệp ở xa, khi doanh nghiệp có xu hướng đầu tư về các tỉnh, người lao động lại muốn chuyển về làm việc ở gần nhà cho thuận tiện hơn.

Người lao động sau tết thường là nghỉ việc để ăn chơi đã, sau đó sẽ tìm kiếm công việc khác. Tình trạng này tôi nghĩ là cũng chưa thay đổi. Có thể có sự khác biệt giữa vùng miền hoặc ngành này, ngành kia nhưng tình trạng này vẫn sẽ tiếp diễn.

PV:Như ông vừa nói là do tâm lý “Tháng giêng là tháng ăn chơi” đã ăn sâu, bám rễ vào không ít người Việt Nam?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Phải nói là tâm lý này đã trở thành một trào lưu và đã đến mức là một cá nhân hay lãnh đạo cơ quan mà sau tết không tổ chức cho anh em đi vui chơi thì có khi lại cảm thấy áy náy. Rõ ràng trào lưu này đang gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị nói chung. Cũng đã có nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp nêu vấn đề vì nó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đến việc đáp ứng yêu cầu khách hàng.

PV: Hiện năng suất lao động trong ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp cao hơn rất nhiều so với ngành nông nghiệp. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào và làm thế nào để năng suất lao động ngành nông nghiệp được cải thiện nhanh?

Ông Nguyễn Anh Tuấn:Hiện Việt Nam có khoảng 500.000 doanh nghiệp, trong những năm tới, Việt Nam đặt mục tiêu có khoảng 2 triệu doanh nghiệp.

Đây cũng chính là một phần có thể thu hút lực lượng lao động vào làm tại công ty, đơn vị sản xuất mà có quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, tăng năng suất bằng cách chuyển dịch một phần lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ cũng chỉ là giải pháp ở giai đoạn đầu phát triển.

Về sau này phải tăng năng suất của từng ngành một, trong đó có khu vực nông nghiệp có hiện có năng suất chưa cao. Hiện nay so với thế giới sản lượng làm ra không thấp. Tuy nhiên, vấn đề tính giá trị gia tăng chia cho đầu người thấp và vấn đề ở đây liên quan đến việc áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào toàn bộ các khâu, từ khâu sản xuất nuôi trồng cho đến chế biến ra sản phẩm để có thể bán với giá trị cao.

Tôi nghĩ rằng, trong khu vực nông nghiệp rất cần sự đầu tư của Nhà nước từ khâu đưa thiết bị vào sản xuất nông nghiệp. Rõ ràng, người lao động thiếu thiết bị  không thể có năng suất cao. Khi ra sản phẩm chúng ta cũng cần tập trung vào công nghệ sau thu hoạch để làm sao ra được sản phẩm có giá trị mới có thể nâng cao năng suất trong khu vực nông nghiệp.

PV: Như chúng ta đã biết, Việt Nam đã chính thức gia nhập Cộng đồng ASEAN, rất nhiều Hiệp định thương mại đã và sắp có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam, nhưng thách thức là không nhỏ, đặc biệt, khi kỹ năng và ý thức lao động của chúng ta chưa được cải thiện… Theo ông, vấn đề cấp thiết đặt ra lúc này đối với lao động Việt Nam để đáp ứng yêu cầu hội nhập là gì?

Ông Nguyễn Anh Tuấn:Khi hội nhập, thách thức đối với người lao động là: các doanh nghiệp vì áp lực cạnh tranh sẽ phải tổ chức, sắp xếp lại lực lượng lao động sao cho hiệu quả nhất.

Như vậy, sẽ có một lực lượng dôi dư ra, nhiều người sẽ được sắp xếp làm việc khác hoặc nếu doanh nghiệp không sắp xếp được người lao động mất việc, đấy là thách thức. Nhưng tôi nghĩ rằng điều này cũng mở ra cơ hội lớn cho người lao động, đó là được làm việc trong một môi trường tốt hơn, có thu nhập cao hơn, có cơ hội làm việc ở những công ty hàng đầu trên thế giới khi họ đầu tư vào Việt Nam.

Để chớp được cơ hội này bản thân người lao động phải thay đổi chính mình. Điểm yếu của lao động Việt Nam thường gặp trong những năm qua là tính bị động trong công việc. Vì vậy, người lao động phải chuyển từ bị động sang chủ động. Chủ động đầu tiên là việc tổ chức thực hiện công việc của mình sao cho tốt nhất. Thứ hai, chủ động đề đạt những yêu cầu của mình đối với người quản lý.

Đặc biệt, người lao động cũng phải chủ động học hỏi và phải thấy được cần học hỏi điều gì là tốt nhất cho công việc. Trong công việc, trước đây lao động Việt Nam ít khi dám nói thẳng với lãnh đạo. Vì thế bây giờ người lao động phải chủ động khi cần góp ý về vấn đề cải tiến hay có đề nghị về quyền lợi của mình phải được hưởng như thế nào mới đảm bảo, người lao động cũng nên chủ động và mạnh dạn đề đạt.

Một điều nữa là người lao động cũng cần chủ động tìm một công việc khác nếu như môi trường hiện tại không đáp ứng được chính mình, hãy mạnh dạn tìm cho mình một cơ hội tốt hơn.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN