Máu đổ, nước mắt rơi
Sau nhiều cuộc hẹn, phóng viên mới được trò chuyện với Đại úy Đào Hữu Hoàng - Đội trưởng đội 2, Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy Công an Nghệ An. Câu hỏi đầu tiên anh dành cho phóng viên là anh ở báo hình hay báo viết, nếu báo viết thì được, còn báo hình thì anh không tiện làm việc. Khi phóng viên nói mình ở báo viết thì anh mới giải thích cho câu hỏi của mình rằng, những người như anh kiêng kỵ quay phim, chụp ảnh. Thậm chí, tên thật của anh cũng rất ít khi được sử dụng trong quá trình làm việc.
Cuộc trao đổi dù mới bắt đầu nhưng bỗng chìm xuống khi phóng viên nhắc đến Đại úy Sầm Quốc Nghĩa - chiến sỹ Công an huyện Quế Phong vừa hy sinh vào ngày 22/3 trong quá trình vây bắt tội phạm ma túy.
“Nghĩa là một trinh sát ma túy yêu nghề, bản lĩnh và tinh nhuệ. Sự hy sinh của Nghĩa không chỉ là sự mất mát đối với gia đình mà còn là một tổn thất lớn cho lực lượng đánh án ma túy nói riêng, Công an Nghệ An nói chung”, đại úy Hoàng khẳng định rồi nói thêm rằng, nhưng không phải vì thấy đồng đội mình hy sinh mà mình nhụt chí, yếu đuối. Sự hy sinh đó càng tiếp thêm động lực cho anh em mạnh mẽ hơn, quyết tâm hơn, bản lĩnh hơn trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy.
10 năm “đầu quân” cho Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy, Đại úy Hoàng không nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh, bắt giữ bao nhiêu đối tượng. Bởi suy cho cùng, đó cũng chỉ là những con số. Điều quan trọng là tình hình tội phạm ma túy vẫn đang diễn biến phức tạp, những người như anh luôn chỉ biết tiến lên, tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm manh động, liều lĩnh này.
“Các đối tượng mua bán ma túy ngày càng chống đối quyết liệt hơn. Bởi chúng hiểu, nếu bị bắt và kết án sẽ đối diện với khung hình phạt tử hình nên chúng sẵn sàng chống trả, chỉ hòng thoát thân. Chính sự manh động này đã khiến không ít cán bộ, chiến sỹ bị thương trong khi vây bắt các đối tượng này”
Ví dụ như Trung úy Đậu Trọng Cường và Thiếu úy Nguyễn Văn Lam (cùng là cán bộ Công an huyện Tương Dương); Trung úy Lê Văn Tuấn (cán bộ Công an huyện Quế Phong), hay mới đây nhất là Đại úy Sầm Quốc Nghĩa đã hy sinh…
Mặc dù trong nhiều năm qua, các lực lượng chức năng Nghệ An đã quyết liệt tấn công, truy quét, bắt giữ nhiều ổ nhóm, đối tượng phạm tội ma túy. Song, loại tội phạm này không vì thế mà giảm xuống. Nhiều đối tượng vẫn lập lán trại, ẩn náu trong các khu vực rừng sâu ở các huyện biên giới để tổ chức mua bán trái phép chất ma túy. Chúng biết luôn bị truy lùng gắt gao nên luôn thủ sẵn các loại vũ khí nguy hiểm bên người như lựu đạn, súng AK, súng tự chế, dao. Hễ bị vây bắt, chúng chĩa mũi súng về phía lực lượng chức năng và bóp cò.
Những trận đánh sinh tử trong những cánh rừng âm u, giữa màn đêm tĩnh mịch vẫn diễn ra đều đặn mà không phải ai cũng biết. Và có những chiến sỹ đã đổ máu, hy sinh chỉ vì sự bình yên cho xã hội. Có những giọt nước mắt đã rơi xuống, tiếc thương cho đồng đội của mình phải hy sinh khi đất nước không còn chiến tranh.
Đối với Đại úy Hoàng, trận đánh mà anh nhớ nhất là Chuyên án 918C vào tháng 10/2018. Trước khi Ban chuyên án quyết định nổ súng tấn công, Đại úy Hoàng và nhiều trinh sát khác đã phải “nằm gai, nếm mật” 3 tháng trời trong cánh rừng đầy vắt, sên ở xã Yên Na, huyện Tương Dương. Nhiệm vụ là nhằm theo dõi, nắm bắt quy luật hoạt động, số đối tượng cũng như số vũ khí chúng mang theo.
Đêm 26/10/2018, sau gần 1 tiếng đồng hồ băng rừng, tất cả các mũi trinh sát đã vào vị trí. Từ xa, 3 ánh đèn le lói lúc ẩn, lúc hiện đang tiến về phía nơi các trinh sát ẩn náu. Khi 3 đối tượng này đã vào ổ phục kích, các trinh sát bắn chỉ thiên yêu cầu chúng đầu hàng thì chỉ trong tích tắc, hàng loạt tiếng súng nổ chói tai. Các đối tượng này bắn loạn xạ về phía trước một cách vô định.
“Trong bóng đêm, tôi nghe tiếng súng nổ ầm ầm, đạn bay vèo vèo bên tai. Để đảm bảo an toàn cho lực lượng đánh án, chúng tôi quyết định nổ súng tấn công thì một đối tượng trúng đạn tử vong, còn 2 đối tượng nhanh chân bỏ chạy vào rừng sâu”, anh Hoàng kể lại.
Không bao giờ run sợ
Đối mặt với hiểm nguy, khi sự sống và cái chết mong manh như hơi thở, có khi nào các anh run sợ? Đại úy Hoàng không chần chừ mà khẳng định chắc nịch: Nếu sợ thì đã không phải là trinh sát ma túy. Rồi anh kể, để bắt được tội phạm ma túy, các trinh sát phải lăn lộn, thâm nhập, vào sâu trong hang cọp. Điều quan trọng nhất là phải làm sao để các đối tượng mua bán ma túy tin tưởng, không đề phòng. Bởi với bản chất ranh mãnh, chúng hầu như không tin một ai và nếu bị lộ thì chúng sẵn sàng thủ tiêu tức khắc.
“Mỗi chuyên án, mỗi đối tượng thì mình có những biện pháp nghiệp vụ khác nhau. Khi đó, mình phải thật sự khôn khéo nhưng không quá vồ vập. Khi thời cơ chín muồi, mình tách được vũ khí của các đối tượng này rồi mới bắt giữ. Bởi điều quan trọng nhất trong quá trình đánh án là phải đảm bảo an toàn cho bản thân, đồng đội và người dân”, Đại úy Hoàng nói.
Trước mỗi quyết định tấn công, Ban chuyên án phải ngồi với nhau hàng ngày, hàng tháng trời để vạch ra phương án tác chiến một cách tỉ mỉ nhất, cũng như lường trước các tình huống có thể xảy ra. Nhưng không phải chuyên án nào cũng giống chuyên án nào, bởi mỗi chuyên án có yếu tố riêng biệt, trong thực tiễn có nhiều yếu tố phát sinh. Tuy nhiên, có một điểm chung là các cán bộ, chiến sỹ luôn phải đối mặt với hiểm nguy.
“Việc bị đối tượng chống trả, gây thương tích là chuyện tôi và nhiều đồng đội khác thường xuyên phải đối mặt. Như tôi đây, có nhiều vụ bị đối tượng dùng súng bắn nhưng may mắn là không trúng. Nhưng không phải lúc nào sự may mắn cũng đứng về phía mình”, Đại úy Hoàng tâm sự.
Khó khăn, hiểm nguy là thế nhưng đối với trinh sát ma túy, đã dấn thân vào nghề là dễ yêu, yêu đến cháy bỏng. Như trường hợp Đại úy Sầm Quốc Nghĩa, thấy gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lãnh đạo Công an huyện Quế Phong nhiều lần đề xuất để anh được chuyển tới đội khác, nhằm có thời gian cho gia đình hơn nhưng vì yêu nghề, lần nào Nghĩa cũng từ chối. Chỉ trong 5 năm công tác tại Công an huyện Quế Phong, anh liên tục lập được nhiều chiến công. 3 năm liền, Nghĩa đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, và là một trong những trinh sát ma túy tinh nhuệ nhất ở đây.
Khi nhắc đến gia đình, Đại úy Hoàng cười và cho biết rằng, khi nào bố mẹ, vợ cũng lo lắng cho anh. Nhưng để bố mẹ vững tâm, anh chỉ cười và nói rằng, bên anh đã có những đồng đội tinh nhuệ nên anh sẽ an toàn. Hầu như các trinh sát ma túy đều xuất thân từ những gia đình nông dân bình thường. Họ đến với nghề bằng sự ngưỡng mộ những trinh sát dày dặn kinh nghiệm từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đến những ngày cùng đồng đội lăn lộn trong rừng, chia nhau nắm xôi, miếng thịt.
Họ say nghề bởi căm phẫn trước những hành vi phạm tội của những đối tượng mang “cái chết trắng” cho xã hội, cảm phục trước những hy sinh của đồng đội. Họ rất ít khi xuất hiện trong các buổi trao thưởng sau những chuyên án lớn; nhưng họ luôn đi đầu, đứng trước viên đạn, nhát dao của “kẻ thù”, góp phần giữ gìn sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.