Lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tình hình tại chi bộ đảng trên địa bàn. Ảnh tư liệu

Sở dĩ tôi trở thành "báo cáo viên cấp thôn" là vì nhiều người nghĩ tôi có thời gian rảnh rỗi, đã có nhiều năm làm công tác Tuyên giáo, làm báo cáo viên của huyện, bây giờ các phương tiện thông tin nhiều, lại có mạng internet,... nên mỗi tháng chỉ báo cáo 20 – 30 phút trước chi bộ thì đó là việc đơn giản.

Nhưng sự thực nó không đơn giản. Những tháng đầu tiên, tôi lấy làm băn khoăn lắm. Bây giờ, hàng ngày mọi người tiếp cận với rất nhiều thông tin từ báo chí, radio, ti vi, mạng internet,... mà trong tay mình thiếu nguồn thông tin, tư liệu chính thống, nhất là những thông tin định hướng mỗi khi có những chủ trương, sự kiện lớn, những nội dung có tính nhạy cảm.

Những tháng đầu tiên, dựa vào những vốn sẵn có, tôi cung cấp một số nội dung mang tính khái quát, tổng hợp, cần thiết đối với nhận thức tối thiểu, cơ bản của đảng viên cơ sở, ví như: Mối quan hệ giữa các nước lớn trong giai đoạn hiện nay; Về “bốn nguy cơ Đảng ta từng cảnh báo”; Vấn đề Biển Đông; Về hiện tượng biến đổi khí hậu; Về đại dịch Covid-19; Về an ninh lương thực; An ninh năng lượng; Về việc chỉ đạo sản xuất, đăng ký các sản phẩm OCOP; Về chủ trương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;...

Vốn sẵn có cũng có hạn, hơn nữa, báo cáo thời sự phải bám sát không gian, thời gian, gắn với hơi thở cuộc sống, tôi đón nghe chương trình “Báo chí toàn cảnh”, tìm đọc trên các báo, kể cả các báo mạng chính thống (các trang báo Đảng, Cổng thông tin Chính phủ, Vietnam.net, Tuần VietNam.net, Báo Nghệ An điện tử,...). Tôi cũng vận dụng sự quen biết với các đồng chí báo cáo viên cấp trên hoặc đương nhiệm để xin tài liệu tuyên truyền để bổ sung thông tin, tư liệu.

Đã có những cuộc trà dư, tửu hậu, nhiều bác ngồi tranh luận sau mỗi chương trình thời sự. Có bác góp ý rất thẳng thắn, thật lòng: Giá mà anh đưa thêm thông tin về việc “Quân đội ta bây giờ không làm kinh tế”, giá mà nói thêm về việc xây dựng cảng Cam Ranh, giá mà thêm thông tin mà vị thiếu tướng X đã nói,... Nói rồi các bác mở điện thoại, “nói có sách, mách có chứng” chỉ ra những “thông tin nóng hổi”,...

Vậy là tôi lại phải soạn tiếp chuyên đề: “Về thông tin trên mạng xã hội”.

Có thể nói bây giờ, mỗi người lên mạng, họ không những như một “nhà báo”, mà còn là một “tổng biên tập”. Ai cũng dễ dàng viết, phát tán, lan truyền trên mạng với tốc độ rất nhanh. Thông thường, chúng ta lên facebook, youtube, tiktok,... để tìm hiểu, trao đổi thông tin, giao lưu, kết nối,... Nhưng lại có những đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội, thường xuyên viết bài, đưa clip xuyên tạc, đánh lừa người đọc. Đó là những trang, những nhóm không minh bạch về thông tin cá nhân, không sử dụng tên thật, địa chỉ không rõ ràng; nhiều trang của bọn phản động từ nước ngoài; có những trang trá hình của những kẻ bất mãn, phản động, phá hoại,... Có nhiều thông tin sai sự thật, bịa đặt, có tác động xấu, tiêu cực với dư luận xã hội. Điều đáng quan tâm là những thông tin “sốc”, gây ra sự “hiếu kỳ” này lại thường có sự lan tỏa theo hiệu ứng “đám đông”, có rất nhiều người vào xem, đọc, không phân biệt được đúng, sai, thật, giả mà vẫn thản nhiên tham gia bình luận, thể hiện bức xúc,... Như vậy là vô hình trung tạo ra một làn sóng dư luận, theo đúng âm mưu của kẻ phát tán.

Internet, mạng xã hội là “xa lộ thông tin”, là phương tiện không thể thiếu của thời hiện đại. Trên đó có thông tin thật, thông tin giả, có cái lành mạnh, có cái tốt, có cái xấu, tiêu cực. Nếu chúng ta không biết gạn lọc thì có khi khó nhận biết được thông tin chính xác hay thông tin chưa được kiểm chứng, thậm chí bị lừa đảo.