(Baonghean.vn) - Để một đứa trẻ được lớn lên trong một môi trường có sự phát triển hoàn thiện về cả thể chất lẫn tinh thần, thì các bậc cha mẹ cần phải cho bé cảm nhận được tình cảm, sự yêu thương của mình bằng cách làm bạn với con. Tuy nhiên để trở thành một người bạn được con cái gửi gắm niềm tin thật không dễ.
Có một nhà xã hội học đã nói, một trong những thất bại của các bậc phụ huynh khi nỗ lực làm bạn cùng con là “không biết cộng lực với con”. Ta thường áp đặt mọi việc cho con mà không cần xem xét liệu con có thích không, ép con đi học đàn, học vẽ theo ý muốn chủ quan của cha mẹ. Thời con nít, bé có thể chịu đựng, nhưng khi đến tuổi dậy thì, bé sẽ phản kháng, áp lực của cha mẹ sẽ tạo ra phản lực ở con cái. Đây là mối nguy ảnh hưởng rất lớn đến không khí gia đình. Để tránh được điều này, trước hết chính bản thân cha mẹ phải tự mình thay đổi tư duy và kỹ năng.
1. Dành thời gian cho con
Để làm bạn với con mình, trước hết chúng ta phải dành nhiều thời gian cho con. Dành thời gian không có nghĩa là bỏ hết mọi công việc và chỉ đưa đón, cơm bưng nước rót cho con. Dành thời gian cho con là phải biết con đang nghĩ gì, đang sợ gì, muốn gì. Khi biết con mình đang nghĩ gì, ta mới có thể tâm sự được với con. Chúng ta không thể bắt một đứa trẻ mới lớn suy nghĩ giống mình, làm theo ý mình. Sự uốn nắn, góp ý kịp thời sẽ giúp ngăn chặn được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với con.
Khi bố mẹ biết con mình nghĩ gì thì sẽ biết con đang sợ gì. Có những đứa trẻ sợ thất bại, nên không dám tham gia bất cứ cuộc thử sức nào. Có những đứa trẻ thiếu tự tin (về hình thức hay kiến thức), nên ngại giao tiếp với mọi người. Không dám chia sẻ thất bại, lúc nào cũng tự ti, buồn bã khiến chúng trầm cảm. Bố mẹ phải gần gũi và nhận biết sớm điều này. Trong trường hợp biết con mình đang lo sợ điều gì đó, bố mẹ không nên chủ quan, cho rằng “lo vớ vẩn”.
2. Đặt con ngang bằng khi trò chuyện
Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải tự hạ mình, hoặc phải nâng con lên địa vị của một người lớn để cha/mẹ và con có thể đặt ở vị trí ngang bằng nhau. Đặt ngang bằng không có nghĩa là cá mè một lứa, mà ở đây chính là bạn đặt mình vào chính vị trí của con để nhìn nhận và giải quyết vấn đề.
Trong cuộc sống, trước một sự vật, hiện tượng, chúng ta thường mô tả, chỉ trích, bình luận, nhận định mà ít đưa ra giải pháp. Ta áp dụng thói quen này trong cả việc nuôi dạy con. Điều này không mang lại lợi ích nào cho con trẻ, chưa kể sẽ khiến con tách xa bạn hơn. Thay vì chê con học dốt thế, điểm kém, bạn nên nghĩ ra giải pháp giúp con điểm cao hơn, học khá hơn.
Thấy con trai có bạn gái, bạn đánh đòn phủ đầu: “Nứt mắt đã bày đặt chuyện yêu đương”, đảm bảo từ đó bé sẽ giấu nhẹm chuyện của mình. Nếu bạn nói chuyện với con như hai người đàn ông “Em đó xinh nhỉ”, bạn sẽ khai thác được thông tin từ con, giúp con đi đúng đường. Vì không thể ngăn cản, nên tốt nhất bạn hãy chọn cách làm sao để có thể kiểm soát được tình hình.
3. Tạo ra những kỉ niệm đẹp
Thường những người có ký ức đẹp sẽ giàu tình cảm hơn, nhân hậu hơn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học nước ngoài, những ai có tuổi thơ hạnh phúc sau này cũng có nhiều khả năng thành công hơn.
Bố mẹ có thể tạo cho con những tình cảm, những kỉ niệm đẹp để con luôn nhớ về khi nó ở xa bố mẹ, rằng nó đã có một gia đình hạnh phúc biết bao, bố mẹ nó yêu nó biết bao, nó cảm thấy hãnh diện và hạnh phúc khi nghĩ về gia đình của nó điều này sẽ khiến con cái luôn gần bố mẹ, nó như sợi dây tình cảm gắn kết bố mẹ với con cái. Để những lúc vấp ngã trên đường đời nó sẽ không quá khó khăn để vượt qua. Bố mẹ hãy dành cho con những ngày nghỉ có thể đưa con đi chơi công viên, đi đến một địa điểm du lịch nào đó, hoặc tham gia chơi các trò chơi ngoài trời để gắn kết tình cảm, qua đó để lại những kỉ niệm đẹp.
Đừng lấy cớ rằng mình bận quá nhiều công việc nên không có thời gian để chơi với con cái. Thực ra bạn chỉ cần dành mỗi ngày 30 phút thôi cũng đủ có những giây phút vui vẻ bên con rồi. Có thể trong thời gian chờ cơm mẹ nấu thì bố có thể ngồi xếp các trò chơi với con, hoặc để ý xem con thích trò gì mình có thể nói với con “ cho bố chơi với” con đang muốn có người chơi cùng mình, nên chắc chắn con bạn sẽ rất hào hứng.
4. Đôi khi giả vờ “ngu”
Để chơi được với con hay để trở thành người bạn được con lựa chọn, đôi khi cha mẹ cũng nên giả vờ “ngu”, coi mình không biết. Nếu muốn khai thác một thông tin nào đó từ con, tại sao bạn không giả vờ như mình chưa biết gì: “Con ơi, chỉ cho bố chơi game này đi”, đảm bảo bé sẽ rất hào hứng chia sẻ cùng bạn. Nếu chơi với ai mà lúc nào bạn cũng bị lép vế, bạn có thích không?
5. Thể hiện những cử chỉ yêu thương
Chúng ta tìm mua sữa tốt cho con mà quên việc thể hiện tình cảm. Điều này giống như ngôi nhà to đẹp nhưng thiếu hơi ấm.
Bạn nên thường xuyên thể hiện những cử chỉ yêu thương với con để tăng thêm tình cảm, bố mẹ và con cái gần gũi nhau hơn, đôi khi chỉ bằng một cử chỉ nhỏ thôi mỗi buổi sáng trước khi con đi học mà bạn không đưa con đi bạn có thể thơm con một cái lên trán và nói với con “ con ngoan của mẹ đi học chăm chỉ nha!” chỉ vậy thôi, nhưng trong lòng con sẽ có những cảm nhận về tình cảm mà bố mẹ dành cho nó.
Khánh Chi
(Tổng hợp)