(Baonghean) - "Sức mạnh của âm nhạc là vô song. Nó đem con người đến thật gần nhau. Nó xòa mờ những khoảng cách, ranh giới mà cuộc sống đời thường đã vô tình dựng lên".
Ấn tượng của tôi về Hoàng Sơn bắt đầu từ một bài hát. Trong một chương trình âm nhạc tại thành phố Vinh, cái anh chàng “mặt khó đăm đăm” đang ngồi ở vị trí ban nhạc (chơi ghi ta) được mời lên hát. Và khi Sơn cất tiếng, tôi đã rất ngạc nhiên: “Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận/ Tình tôi lận đận tiến thoái lưỡng nan”… (Tiến thoái lưỡng nan – Trịnh Công Sơn)
Ngạc nhiên, không phải chỉ vì bài hát ấy dường như lớp người trẻ như Sơn (Sơn sinh năm 1989, ở thành phố Vinh) ít quen, ít chọn. Ngạc nhiên, không phải chỉ giọng hát của Sơn đầy cảm xúc. Mà còn bởi, Sơn đã hát như một người từng trải, qua bao nhiêu thăng trầm cuộc đời. Mà bởi, Sơn đã làm chủ bài hát của mình, với tất cả những thăng hoa và tự do…
Và tôi, khi ấy, đã cảm thấy rất gần cái buồn của nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn. Như cái “vàng phai” đang chớm đậu xuống tay mình. Như sự mênh mông, vô định ấy đang giăng giăng trước mắt. Đâu là bến bờ, đâu chốn an yên? Lời ca, tưởng như nhẹ bẫng, lại như chớp sáng, lóe lên những linh cảm phận người, như trùng trùng sóng vỗ những ào ạt nổi nênh.
Tôi không biết có ai đã cảm giọng hát ấy như tôi cảm không. Nhưng, dù sao, đối với một khán giả (thính giả), thì việc làm cho họ rung động như thế cũng không phải giọng ca nào cũng làm được. Sơn, có phải là quá trẻ để có thể hiểu được những sâu thẳm nỗi niềm ấy, nhưng sao lại có thể hát chạm đến nó?
Và, từ đó, tôi đã chú ý hơn tới cái anh chàng thường xuất hiện với túi đàn sau lưng trên nhiều nẻo đường thành phố Vinh. Lúc nào cũng ra chiều tất bật, mải miết. Lúc nào gương mặt nhìn vào cũng thấy “khó đăm đăm”.
Khi đã quen rồi, hóa ra Sơn không “khó” như người ta tưởng. Sơn chỉ “già” khi hát, còn trong cuộc sống thì Sơn vẫn là “đứa trẻ thơ” như Phương Linh, cô vợ trẻ của Sơn (cũng là một giọng ca trẻ khá nổi bật trên sân khấu âm nhạc xứ Nghệ với giải Nhì dòng nhạc nhẹ cuộc thi “Giọng ca xứ Nghệ 2017”) nhận xét.
Sơn hồ hởi kể với tôi về “cách” mà Sơn đến với âm nhạc rất độc đáo của mình. Ngày nhỏ, Sơn không hề thích ca nhạc,thậm chí còn…ghét nữa. “Em cứ thấy múa với hát nó ẻo lả thế nào ấy, nó chả nam tính tý nào”. Sơn khi ấy chỉ mê võ, cậu kiên trì theo học tới 10 năm Taekwondo. Một sự run rủi tình cờ khiến Sơn có cái nhìn khác về âm nhạc là bắt nguồn từ ông cậu Trần Khánh của mình.
Là cậu, nhưng Trần Khánh chỉ hơn Sơn chừng vài tuổi. Khánh mê hát, tham gia thành lập nhóm nhạc mang tên “Mùa thu vàng” của thành phố Vinh quãng đầu những năm 2000 khi đang theo học cấp 3. Bà ngoại của Sơn, lo con trai mình mải mê với hát hò hoặc sa đà vào những trò vô bổ nên cử Sơn đi theo để “săn sóc” cậu, báo cáo lại lịch trình với bà.
Ban đầu đi theo là bởi “trách nhiệm nặng nề” bà ngoại giao. Thế rồi, đi với nhóm nhạc, xem cậu tập đàn, tập hát, Sơn mê lúc nào không hay. Hóa ra âm nhạc nó không như mình từng nghĩ – Sơn tự thấy như vậy. Không phải chỉ quanh quẩn như mấy bài hát mình từng biết, từng nghe. Nó còn rất nhiều thể loại khác nhau. Nó là cả một thế giới tràn ngập ánh sáng và niềm vui mà ai cũng có thể tìm cho mình một chỗ dựa tinh thần và để hòa mình vào đó.
Và, kể từ khi ấy, cậu bé 14 tuổi có cảm giác như mình đã được “khai phá”. Tận thẳm sâu tâm hồn, Sơn luôn cảm thấy mình đang ngân lên một giai điệu nào đó đầy hân hoan. Ngay cả nỗi buồn, Sơn cũng cảm thấy nó “đẹp” hơn khi được chìm trong âm nhạc. Sơn theo cậu để học những nốt nhạc đầu tiên. “Cậu Khánh chính là người thầy đầu tiên, cũng là người truyền cảm hứng cho em nhiều nhất” - Sơn tâm sự.
Thế nhưng, biết và yêu thôi, chứ Sơn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi vào con đường đầy “mơ hồ” ấy. Tốt nghiệp cấp 3, Sơn có 2 năm thi không đậu Đại học Luật, vốn là ngôi trường mà Sơn mơ ước, nhưng những tháng năm tưởng chừng “thừa thãi” ấy, Sơn đã tìm đến âm nhạc để được “đứng dậy” và bước tiếp. Sơn tham gia câu lạc bộ ghi ta, chơi nhạc cho những tổ chức, cá nhân có nhu cầu và những quán cà phê ở Vinh.
Năm 2009, Sơn theo học Khoa Điện tử viễn thông của Trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình (Hà Nam). Những năm học tập tại đây, Sơn tham gia khá nhiều các cuộc thi ca nhạc, đã từng đoạt Huy chương Bạc tại một cuộc thi âm nhạc của tỉnh Hà Nam. Tốt nghiệp cao đẳng năm 2012, cuối năm đó Sơn tham gia Giọng hát hay thành phố Vinh và đoạt giải Ba. Cảm giác như con mình đã “lấn” sang nghệ thuật hơi sâu, cha mẹ Sơn (dù là những người rất yêu thích cá hát) đã khuyên con nên “dừng lại”.
Sơn tạm dừng con đường ca hát mà đã có lúc Sơn nghĩ hay mình bỏ tất cả để “theo đuổi” nó đến cùng, ra Hà Nội để tìm kiếm công việc phù hợp với ngành mình học. Vừa tròn 1 năm, nỗi nhớ sân khấu lại giục Sơn quay về. Lần trở về này, Sơn vừa tham gia những sô diễn lại vừa học hỏi thêm để nâng cao trình độ về âm nhạc.
1 năm ở quê là 1 năm Sơn miệt mài với âm nhạc. Sơn cùng bè bạn thành lập và phát triển ban nhạc Army, một ban nhạc đầy ấn tượng với giới trẻ phố Vinh. Ban nhạc gồm toàn những “nhạc công”, “ca sỹ” tay trái nhưng khát khao được đứng trên sân khấu, khát khao được truyền đi tình yêu cháy bỏng với âm nhạc chính là những điều ban nhạc này đã làm và rất thành công, mà vai trò của trưởng ban Hoàng Sơn là khá nổi bật.
Nhưng rồi, lại một lần nữa, Sơn lại quyết định rẽ sang một lối đi khác, không “dính líu” gì với âm nhạc nữa. Cùng với người yêu (là vợ Sơn bây giờ), 2 người quyết ra Hà Nội để lập nghiệp. Sơn xin vào một công ty kinh doanh vàng bạc làm truyền thông, để rồi, cũng chỉ chừng vài tháng thôi, Sơn lại quay về. Có thể là số phận, nhưng hẳn rằng, trái tim của Sơn mách bảo, Sơn phải sống là chính mình, chọn một lối đi mà Sơn thấy hạnh phúc.
Lần trở về này, có thể xem là một lần quyết định dứt khoát của cả Sơn và Phương Linh. Trở về tiếp tục cùng ban nhạc, và xây dựng riêng cho mình những kế hoạch phát triển âm nhạc mới. Mạo hiểm đó, nhưng tại sao không, khi mình còn có cả tuổi trẻ, có cả đam mê? Sơn đã nghĩ vậy.
Mở một trung tâm dạy đàn, cả Sơn và Phương Linh đã bắt đầu giấc mơ của mình như vậy để tiếp tục được bên nhau cùng với đam mê. Nhưng, không dừng lại đó, Sơn có giấc mơ về những đêm nhạc của riêng mình tại Vinh, những đêm nhạc dành tặng bạn bè, những khán giả cô đọng, không phải hướng đến kinh doanh mà “để chơi”, để “cảm ơn cuộc đời”.
Lần lượt những đêm nhạc như vậy đã được tổ chức tại Vinh và nhận được sự yêu mến của đông đảo người yêu nhạc, như: “Lời thiên thu gọi”, “Chỉ còn tiếc nuối khôn nguôi” tưởng nhớ nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, đêm nhạc hát về biển rồi đêm nhạc “16 năm nhớ Trịnh Công Sơn”…
“Và chị thấy không, sức mạnh của âm nhạc là vô song. Nó đem con người đến thật gần nhau. Nó xòa mờ những khoảng cách, ranh giới mà cuộc sống đời thường đã vô tình dựng lên. Nói như Trịnh, ấy là gươm đao đã dựng giữa lòng người.
Tại sao chúng ta không ngồi lại với nhau, trong những đêm nhạc mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là ca sỹ, khi tâm hồn ta đang ngân lên những giai điệu và để sau đó, chúng ta nhìn nhau, đằm thắm, yêu thương hơn?” – Sơn nói với tôi như thế, với tất cả thành thực và trình bày những “dự án” âm nhạc sắp tới của mình, trong khi cô vợ Phương Linh nhìn chồng mỉm cười đầy âu yếm, tin cậy!
Tôi muốn nói với Sơn lời cảm ơn của một người “đã già” với những nhiệt huyết của người trẻ, của một khán giả với một nghệ sỹ, của một người những muốn dừng chân nghỉ ngơi đã lại được động viên, hãy cứ bước đi và mơ ước!
Tôi tin rằng Sơn đã thực sự trở về và đi đúng con đường mà Sơn muốn được đi đến cùng. Tôi tin vào những sáng tác mà Sơn đang viết, tin rằng Sơn sẽ có thành công khi sáng tác và hát những ca khúc của riêng mình. Tin rằng những học trò học đàn “thầy Sơn” đều sẽ có một bài học về niềm đam mê, về dám dấn thân và không hối tiếc.
Thùy Vinh