(Baonghean.vn) - Hơn 20 năm trước, đã có người Nùng từ Cao Bằng di cư vào Con Cuông để sinh sống. Và cũng hơn 20 năm đó, giữa núi rừng xanh ngút ngàn của huyện Con Cuông hình thành nên một xóm nhỏ người Nùng với hơn 20 hộ, sống ẩn khuất, ít giao lưu với người bản địa và những công việc “đầy bí ẩn” của họ cũng ít người biết đến. Tuy đã ổn định với cuộc sống mới, nhưng sự mưu sinh hàng ngày vẫn đè nặng lên đôi vai của đồng bào Nùng nơi đây.

Đến vùng đất mới, việc đầu tiên họ tập hợp lại, giao nhiệm vụ cho từng người rồi cùng nhau khai hoang vùng lau lách hoang dại dựng nhà ở, lao động kiếm cái ăn. Điều mà họ ít lo lắng hơn cả khi đến quê mới là bệnh tật, bởi kinh nghiệm bao nhiêu năm đã cho họ nhiều phương thuốc quý hiếm để chữa những căn bệnh thông thường. Cho nên, với họ, lúc rảnh thì việc lên rừng hái thuốc về dùng hoặc mang bán đổi gạo ăn qua ngày cũng là một cách kiếm sống.

778593_small_77947.jpg



Để có thuốc bán, người dân phải trèo trên những ngọn núi cao.

Cái nghề hái thuốc tuy vất vả, nhưng cũng mang lại thu nhập đáng kể, nên họ đánh cược với chính mạng sống của mình từ 5 giờ sáng cho đến khi tốt mịt trên những ngọn núi mịt mùng, cheo leo. Vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng không những thanh niên trai tráng, hay đàn ông trong gia đình mà cả phụ nữ, trẻ em cũng lũ lượt kéo nhau đi hái thuốc trên núi.

Gặp chúng tôi khi vừa bán xong bó thuốc, anh Đặng Văn Thông thật thà: “Thấy người ta đi thu mua những loại cây dược liệu như cây sâm đá, huyết giác, củ bình vôi, cây lá gai… giá lại cao, nên mấy tháng nay chúng tôi kéo nhau vào rừng sâu để khai thác. Mình cũng chẳng hỏi họ mua để làm gì, chỉ biết người ta mua thì mình cứ bán”.

Để có những bao tải thuốc đóng gói cẩn thận khi nhập cho thương lại, họ phải trèo lên những vách núi cao chót vót, bất chấp sự nguy hiểm với những vách đá dựng đứng. Thế nên, chuyện bị̣ thương, rách trầy da chảy máu là chuyện bình thường.

Đến ngôi làng thuộc bản Trung Yên (xã Yên Khê) những ngày này, một mùi đặc trưng của các vị thuốc xông lên nồng nặc. Mùa hè, cái nóng như đổ lửa, người dân tận dụng mọi không gian để phơi thuốc, bởi đây là mùa dễ “làm ăn” nhất. Việc đi khai thác cũng dễ, chế biến, đóng gói cũng thuận lợi. Hỏi tất cả những người bản địa và những người trong “làng Nùng” chẳng ai biết những dược liệu này có công dụng gì, chỉ biết rằng, bán cho thương lái để nhập sang Trung Quốc.

Cái gì khai thác lắm cũng cạn, ngày họ mới bắt đầu lấy thuốc thì cứ lên núi là có. Nhưng bây giờ, những ngọn núi cách nhà 3, 4 km đã không còn, họ phải đi xa hơn, leo núi cao hơn, nguy hiểm hơn…

Hiện nay, việc khai thác các loại nguyên liệu trên chưa thấy cơ quan chức năng vào cuộc nên hàng ngày vẫn rất đông người dân lên núi tìm cây thuốc, tài nguyên này ngày càng bị khai thác cạn kiệt. Không ít loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, tính đa dạng sinh học của rừng bị ảnh hưởng rất lớn. Việc khai thác vô tội vạ và buôn bán cây dược liệu quý hiếm tràn lan khiến nguồn dược liệu tự nhiên đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt. Rất cần tiếng nói và sự can thiệp từ các cơ quan chức năng.


Trần Lê