Sau nhiều chuyến thị sát, khảo cứu, Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Khánh Hòa tiến hành khai quật khảo cổ tại quần đảo Trường Sa. Nhiều hiện vật thu được trong đợt khảo cổ này đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
images1056104_1.jpgHiện vật trên đảo Nam Yết
Là người dày công nghiên cứu về các địa điểm có chứa cổ vật của ngư dân Việt Nam cách đây hàng thế kỷ ở quần đảo Trường Sa, TS khảo cố học Trần Long Phụng khẳng định: những hiện vật được công bố cuối tháng 9-2014 đã góp thêm một tiếng nói mạnh mẽ rằng chúng ta có đầy đủ cứ liệu khoa học để khẳng định toàn bộ quần đảo Trường Sa là của Việt Nam. 
 
Trước khi có hội nghị công bố kết quả khảo cổ học năm 2014 tại Hà Nội, một cuộc hội thảo khoa học cũng đã được tiến hành tại Khánh Hòa. Hầu hết các đại biểu đều đồng nhất quan điểm công nhận những hiện vật này nói lên rằng chủ quyền Trường Sa của Việt Nam là không thể chối cãi. Nhà khảo cổ Trần Công Minh cho biết: từng vết tích trên các hiện vật được công bố đã được nghiên cứu một cách kỹ càng dưới góc độ khoa học biện chứng trong sự sâu chuỗi của tiến trình phát triển xã hội Việt Nam. Trong đợt khai quật này, đoàn khảo cổ đã tiến hành khai quật tại các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Phan Vinh và Sơn Ca thuộc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 
Hiện vật trên đảo Sơn Ca
Cụ thể, tại đảo Trường Sa Lớn, đoàn đã tiến hành khảo sát toàn bộ bề mặt đảo và mở một hố thám sát 1m2. Hiện vật trong hố thám sát thu được gồm 4 mảnh gốm thô thời tiền sử, hiện vật thu lượm khi khảo sát bề mặt đảo gồm một mảnh bát thời Trần, 2 mảnh gốm men trắng vẽ lam thời Lê và nhiều mảnh sành thuộc thế kỷ 18-19. Từ những hiện vật này, phân tích dưới góc độ khoa học và lịch sử cho thấy; đảo Trường Sa Lớn từ rất sớm đã được cư dân Việt Nam phát hiện và khai phá. Những mảnh đồ đựng trong sinh hoạt hàng ngày bằng gốm thô được phát hiện là một bằng chứng cụ thể. Những ngư dân đã dùng cả kí tự chữ viết cổ của Việt Nam để chạm khắc lên đó. 
 
Còn tại đảo Nam Yết thu được một mảnh gốm men trắng thời Lê và một số mảnh sành có niên đại từ thế kỷ 18. Đó chính là đồ đựng, đồ sinh hoạt hàng ngày của ngư dân thời đó. Nhiều vết tích trên các hiện vật này còn thể hiện được nét văn hóa cộng đồng trong ngư dân Việt như cách chạm trổ, họa tiết thoáng và đậm ở đáy của hiện vật. Tại đảo Sơn Ca, các nhà khảo cổ cũng thu được một số mảnh sành từ thế kỷ 18 đến nay. Điều này nói lên thời gian cư trú của con người trên đảo này không phải là ngắn ngủi và cũng không phải là gián đoạn mà đó là cả một quá trình xuyên suốt trong tiến trình phát triển. Họ chính là những ngư dân Việt Nam từ đất liền tới. 
Khảo sát trên đảo Sơn Ca
Tại đảo Phan Vinh, các hố khảo cổ cũng như mảnh sành, sứ thu được còn phản ánh sự tiến bộ của các ngư dân Việt Nam trong quá trình sử dụng các đồ vật sinh hoạt hàng ngày. Cổ vật này có niên đại gần hơn các cổ vật trên đảo Trường Sa Lớn và Sơn Ca nên đã có nhiều nét tinh xảo hơn.
 
Các hiện vật khảo cổ học Trường Sa (gồm gốm, mảnh sành) được công bố tại thành phố Nha Trang vừa rồi còn thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết giữ đảo của ngư dân Việt Nam. Hố thám sát khảo cổ học trên đảo Trường Sa Lớn có lớp đất xốp, cổ vật nằm rải rác trên một diện tích nhất định. Điều này, chứng tỏ cả một cộng đồng người đã đoàn kết trên mảnh đất ấy. Đặc biệt những đặc điểm về cổ vật bằng sành trên đảo này không thể lẫn lộn với bất cứ một nền văn hóa nào khác. Hố khảo sát trên đảo Sơn Ca có nhiều mảnh cổ vật khác nhau nhưng cùng chung một điểm là minh chứng hùng hồn ngư dân Việt Nam từ xưa đã gắn bó với nhau, cùng gắn bó trên quần đảo này.
Hố thám sát trên đảo Nam Yết
 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Hùng khẳng định: đặc tính của ngư dân Việt Nam là tinh thần cộng đồng rất cao. Các cổ vật có họa tiết nhiều đường sóng đậm đã thể hiện tính cộng đồng thời ấy. Thực tế cho thấy, ngàn đời nay, nền văn hóa biển luôn in đậm trong từng ngư dân. Văn hóa ấy là sự gắn kết và bảo vệ đến cùng mảnh đất của tổ tiên mình. Yếu tố văn hóa biển ấy đã tích hợp với văn hóa truyền thống chung của toàn dân tộc. Theo giới chuyên môn, kết quả của đợt khảo cổ lần này tiếp tục khẳng định mạnh mẽ và củng cố thêm những kết luận từ các đợt khảo sát ở Trường Sa từ các thời điểm trước đó (đã tìm thấy những chứng cứ khoa học hiển nhiên về các hoạt động trên biển của cư dân tiền sử cũng như của người Việt trong lịch sử). Những tư liệu này góp phần khẳng định rõ ràng và vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam. 
 
Từng có nhiều năm làm Giám đốc Bảo tàng tỉnh Phú Khánh (cũ), đồng thời chuyên nghiên cứu về văn hóa ngư dân Việt Nam qua cổ vật, ông Bùi Xuân Phước cho rằng, cổ vật chính là cách phản ánh lịch sử hình thành cũng như những quan niệm, đặc tính của con người - xã hội mỗi thời kỳ. Điều này cũng đã được các nhà khảo cổ học, các nhà khoa học quốc tế công nhận. "Tôi rất xúc động khi được nhìn những cổ vật khai quật và công bố lần này. Cuộc sống của ngư dân Việt Nam xưa trên quần đảo Trường Sa đã ẩn chứa cả trong các cổ vật ấy”- ông Phước tự hào. 
Theo Daidoanket