(Baonghean) Từ thú chơi đam mê với từng thân cây, gộc gỗ năm xưa, đến nay những người làm nghề gỗ lũa ở xóm 6- Đông Sơn (Đô Lương) đã tập hợp thành CLB những người làm nghề vừa kinh doanh vừa thỏa sức đi tìm cái đẹp…
T iếp chúng tôi trong ngôi nhà hai tầng mới khang trang,ông Hoàng Văn Hoà, chi hội CLB gỗ lũa xóm 6 xã Đông Sơn, phấn khởi chỉ tay khoe những thành tích mà ông vinh dự nhận được, gồm bằng khen của TƯ hội Sinh vật cảnh (SVC) tại các lễ hội SVC các năm, giấy chứng nhận đạt giảitác phẩm “gỗ lũa ân tình ” tại triển lãm SVC Bắc Ninh- 2012, các Cúp Bạc tại các Hội chợ và Hội SVC Thành phố Hồ Chí Minh…
Theo lời kể của ông Hoà, 15 năm nay ông xem nghề làm gỗ lũa như máu thịt. Nghề được cha ông truyền lại. Để thuận lợi cho công nhân sớm hoàn thành chế tác theo ý mình, hiện ông đã đầu tư gần 200 triệu đồng để mua cưaxăng, máy đính, máy nén, máy chà, máy phun...
Công nhân làm việc tại cơ sở sản xuất gỗ lũa Đông Sơn.
Nguyên liệu làm gỗ lũa được các nghệ nhân Đông Sơn tận dụng từ các thân cây khô, gộc lâu năm, có gốc hàng trăm năm như như lim, gù hương, dổi, long não, đinh hương... Nguyên liệu đa số được người dân bản địa các nơi như Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương tự khai thác trong rừng và bán lại cho các nghệ nhân. Điều quan trọng là nghệ nhân nhìn ra đượcnhững hình ảnh sống động từ dáng khối của các gộc cây, rễ cây để chế tác. Khối gộc gỗ mua về nếu được nguyên vẹn, đẹp thì có thể chế thành bộ bàn ghế. Gốc mối mọt, ăn mòn thì vẫn có thể tận dụng làm tranhlũa. Những gốc gỗ đẹp đa phần là những gốc nằm cạnh dòng chảy, được tự nhiên bào mòn, bóng đẹp và cổ kính.
Chị Trương Thị Huệ đến nay cũng có thâm niên với nghề gần 10 năm. Theo chị, sản phẩm gỗ lũa không sản xuất đại trà và không thể dùng máy móc để tạo ra sản phẩm.Đa số các sản phẩm được làmphải có thời gian, ít nhất là 1 đến 4 tháng, cách thức làm mỗi sản phẩm cũng khác nhau. Chị chia sẻ: “Thời điểm rỗi, 2 vợ chồng tự túc làm, đến dịp chuẩn bị hội chợ phải gọi từ 4- 5thợ tập trung chế tác.
Bây giờ tỉnh nào có tổ chức hội chợ thì người ta gọi mời trực tiếp tham gia luôn nên lúc nào cũng phải có sản phẩm chờ sẵn để mang đi tham dự”. Theo chị Huệ, mỗi cặp bàn ghế được chế tác từ thân gộc đẹp bán tới 40-50 triệu đồng/bộ, tranh tượng, câu đối gỗ lũa bán bình quân 200 ngàn- 2 triệu đồng/bộ. Thị trường đầu ra cho sản phẩm chạy nhất là các công trình nhà mới và các hội viên SVC các tỉnh bạn. Tính toán sau khi trừ chi phí nguyên liệu, nhân công, gia đình chị Huệ có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Nghề làm gỗ lũa, đá cảnh, tranh tượng dân gian tại xóm 6 Đông Sơn được xem là nghề cha truyền con nối. Từ một vài hộ nhỏ lẻ giữ nghề, hiện nay toàn xã đã thu hút gần 20 thành viên nông dân và bộ phận hưu trí. Các thành viên được phân chia thành 10 xưởng sản xuất, hoạt động dưới hình thức câu lạc bộ (CLB) và được bảo trợ bởi Hội SVC huyện Đô Lương. Ông Nguyễn Danh Kế - Chủ nhiệm CLB, cho hay: Trước đây, đa phần các hội viên CLB làm nhỏ lẻ, quy mô và phạm vi sản xuất bó hẹp. Sản phẩm đơn thuần, dần dần, nhận thấy đây là tiềm năng cần phát huy, cộng với sự quan tâm của Hội SVC huyện, chúng tôi đã tập trung kêu gọi, vận động các hộ gia nhập hội để sinh hoạt và đưa nghề gỗ lũa phát triển.
Đến nay, các thành viên đã tự bỏ vốn đầu tư từ vài ba chục triệu đồng đến vài trăm triệuđể mở rộng quy mô và hình thành các xưởng sản xuất, tạo việc làm cho hơn 50 lao động nông nhàn địa phương. Sản phẩm đa dạng: Bàn ghế cảnh bằng gỗ lũa, tranh tượngrồng rắn, tượng đạt ma Sư tổ, kệ cảnh, ông Thọ, đục nhà thờ cổ, tượng nghệ thuật, tranh lụa thư pháp…Thị trường đầu ra cho những sản phẩm hiện nay đang rất thịnh hành.
Bàn về những trăn trở của nghề làm gỗ lũa, ông Kế bộc bạch thêm: Đã qua 15 mùa đưa sản phẩm đi tham dự Festival trong cả nước và tham dự Hội chợ SVC do các tỉnh tổ chức, nhưng có một thực tế đặt ra là, mỗi lần tham dự, khối lượng sản phẩm của CLB rất lớn, (trên 8 tấn sản phẩm các loại) nhưng giá trị chỉ đạt từ 50-70% so với các tỉnh bạn. Qua đó, các hội viên rút ra kinh nghiệm, là sản phẩm phải phù hợp với túi tiền và đón đầu thị hiếu người dân, đặc biệt, phải biết chọn mua nguyên liệu đầu vào có chất lượng hơn, mẫu mã sản phẩm sáng tạo, độc đáo để hấp dẫn thị trường.
Gỗ lũa là nét đẹp văn hoá mang đậm bản sắc vùng miền, bên cạnh đó còn là nghề sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, các hộ làm nghề gỗ lũa tại Đông Sơn trình độ tay nghề chưa cao, Ban chủ nhiệm CLB “đảm” luôn vai trò người thầy nghệ nhân cho các hội viên mình. Hơn nữa, quy mô sản xuất độc lập, ai làm người đó hưởng.
Đặc biệt, nghề gỗ lũa được sự bảo trợ của Hội SVC huyện nhưng chưa thực sự nhận được sự quan tâm đầu tư của Hội SVC tỉnh. Trên thực tế, CLB gỗ lũa Đông Sơn phải nộp từ 5-7% tổng giá trị sản phẩm đi tham dự hội chợ. Điều này đang đặt ra một khó khăn cho CLB một khi các thành viên cònsản xuất manh mún như hiện nay.