(Baonghean.vn) - Khi đưa nghề chổi đót về làng cách đây hơn 50 năm, ban đầu người dân xóm Hòa Hội, xã Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn tận dụng cây đót để làm chổi quét nhà, nếu thừa thì bán ở các chợ lẻ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, nghề làm chổi đót đã bén duyên và trở thành nghề mưu sinh, cứu cánh cho người dân Hòa Hội vượt qua khó khăn, yên tâm lập nghiệp và "an cư" nơi quê mới.

Với lịch sử phát triển hơn 50 năm và hiện có gần 95 hộ, 200 lao động trên tổng số 130 hộ dân trong xóm làm nghề sản xuất chổi đót nên năm 2007, xóm Hòa Hội đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề. Bình quân mỗi năm, Làng nghề chổi đót Hòa Hội nhập trên 70 tấn đót khô, sản xuất khoảng 1,4 vạn chiếc chổi các loại, sản phẩm của Làng nghề Hòa Hội đã có mặt ở khắp nơi, từ trong và ngoại tỉnh; với giá bình quân từ 20 - 22 ngàn đồng/chiếc, chổi làm ra đến đâu, tiêu thụ ngay đến đó.

Theo ông Nguyễn Văn Minh - một thợ làm nghề lâu năm cho biết: nghề chổi đót làm quanh năm, bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau bằng việc thu mua nguyên liệu chính là đót và mây từ Lào hoặc Hòa Bình, Thanh Hóa... phơi hong sau đó làm dần. Hiện tại, do Làng nghề chưa có lò sấy nên các hộ mua đót về phải tự phơi hoặc mua đót khô, giá khoảng 18 triệu đồng/tấn về cất trữ trong nhà để dùng trong cả năm.

Đót sau khi phơi khô được từng người thợ lước thành những khóm nhỏ để buộc chổi
Đót sau khi phơi khô được từng người thợ lước thành những khóm nhỏ để buộc chổi.
Không chỉ lao động nữ lớn tuổi mà các em học sinh cũng có thể tham gia sản xuất chổi đót.
Đót được người thợ buộc chặt thành từng bó nhỏ và được cột chặt bằng mây hoặc dây thép không gỉ.
Ông Nguyễn Văn Minh - chủ một hộ sản xuất chổi lâu năm cho biết đàn ông thường đảm nhận việc chẻ và vót sợi mây chuẩn bị cho vợ và con làm chổi.
Để đảm bảo cho chổi chắc chắn, người thợ dùng từng sợi mây ti mỉ luồn vào từng khóm đót để siết chặt.
Sau khi hoàn thành cột chặt dây, chổi được thợ dùng búa đập nhẹ, dàn đều để đảm bảo các sợi dây được chắc chắn. Bình quân mỗi thợ có thể làm được từ 12 - 15 chiếc chổi tương đương với thu nhập khoảng 300 ngàn đồng/ngày.
Chổi thành phẩm có giá bình quân từ 20 - 22 ngàn đồng/chiếc. Mặc dù sản xuất với số lượng lớn nhưng chổi đót Hòa Hội lúc nào cũng đắt hàng, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Nhờ được công nhận Làng nghề, xóm Hòa Hội được tỉnh hỗ trợ trên 2 tỷ đồng để làm 1,2 km đường vào xóm. 

Được biết, hiện nay Ban quản lý Làng nghề đang kiến nghị xã thành lập HTX quản lý làng nghề để một mặt đầu tư máy sấy đót chung cho các hộ; đồng thời dần dần tiến tới xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm nghề.

Ông Nguyễn Công Trực - xóm trưởng kiêm Trưởng Ban quản lý làng nghề cho biết: nghề sản xuất chổi đót vất vả nhất vào dịp Giêng Hai; nghề rất phù hợp với lao động nông thôn, nhất là lao động nữ, trẻ em hay người già, nắng hay mưa đều có thể làm được. Trong khi các hoạt động sản xuất chính khác của xóm chỉ mang lại thu nhập khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm nhưng nghề sản xuất chổi đót mỗi năm với doanh thu 9 tỷ đồng và lãi đạt 50% nên người dân Nghĩa Hội thường nói vui, nghề làm chổi đót ở Hòa Hội là nghề phụ nhưng cho thu nhập chính./.

Nguyễn Hải

TIN LIÊN QUAN