(Baonghean) Vượt qua triền đê Tả Lam, dọc theo con đường dẫn đến xóm 12, xã Hưng Long (Hưng Nguyên) không khó để bắt gặp những chiếc xe cải tiến chất đầy lá chuối.Bây giờ lá chuối được các cơ sở làm nem, gói giò, bánh chưng, bánh tét, đặt hàng theo từng tháng nên những người làm nghề buôn lá chuối ở đây tất bật quanh năm. Lấy công làm lời, với những đơn đặt hàng theo tháng dường như làm cho người buôn lá chuối không có ngày nghỉ. Mùa lá đúng vào dịp cuối năm, nên với số tiền kiếm được cũng đủ để họ sắm sanh cho cái Tết và để dành làm vốn chi tiêu cho cả gia đình... Anh Hoàng Trọng Cát - Bí thư Đoàn xã Hưng Long cho biết: Đây là một nghề tự phát từ năm 1980, do người làng tản mát khắp nơi tìm kế sinh nhai, khi HTX Đan lát mây tre đan mất thị trường; trước nhu cầu cần lá chuối của các nhà làm nghề gói bánh ở Thành phố Vinh, ban đầu cũng chỉ có dăm người vác câu liêm đeo quang gánh đi thu gom lá chuối quanh xóm. Thấy có được đồng ra đồng vào từ lá chuối mà trước đây chỉ vứt bỏ hoặc cho trâu bò ăn, nhiều người đã "gia nhập", hình thành nên nghề buôn lá chuối cho đến tận bây giờ. Hiện Hưng Long có trên 20 hộ làm nghề buôn lá chuối. Thời trước thì quảy gánh đi bộ, đi xe đạp, bây giờ đời sống khấm khá hơn, nhà nào cũng dùng xe máy gắn thêm xe cải tiến phía sau đi vừa nhanh lại chở được nhiều. Hầu hết các hộ làm nghề đều ký được hợp đồng dài hạn nên không lo " đầu ra".Nghề buôn lá chuối ảnh 1Lá chuối được các cơ sở gói làm nem, gói bánh chưng, giò… đặt hàng theo từng tháng nên người làm nghề không phải lo “đầu ra”.Anh Nguyễn Văn Trung (ở xóm 12) cho biết: Nghề buôn lá chuối nghe có vẻ khỏe, nhưng thực tế gian nan vất vả lắm. Cả ngày phải chui sâu trong vườn um tùm cây cối nên muỗi đốt, đạp phải mảnh chai vỡ, gai nhọn cứa đứt da chân là chuyện thường xảy ra. Rồi bất kể là thời tiết mưa rét, 4 giờ sáng đã phải dậy để chuyển lá xuống thành phố cho người ta làm hàng. Nói là vất vả nhưng nghề này không cần nhiều vốn, lận lưng triệu bạc cùng với 1 câu liêm là mỗi ngày hai vợ chồng tôi cũng  thu gom được 4 - 5 tạ lá, kiếm lời 350.000- 400.000 đồng/người; riêng những ngày mưa rét và tháng Tết được 800.000-1.000.000 đồng/người/ngày. Sắp tới tôi sẽ xin đấu thầu đất của xã để mở trang trại trồng chuối sứ, chăn nuôi gia súc để có thể chủ động được nguồn hàng cũng như cung cấp nguồn thức ăn cho chăn nuôi... ".Anh Phạm Văn Quế - người có thâm niên gần 20 năm trong nghề thì cho hay: Nghề buôn lá chuối được coi là nghề  phụ nhưng lại là nguồn thu nhập chính, giúp cho nhiều gia đình ổn định đời sống; một hộ 2 người nếu đi 25 ngày/tháng sẽ cho thu nhập từ 8.000.000- 10.000.000 đồng/người. Và người làm nghề phải biết ước chừng số lượng lá trong vườn để trả tiền cho chủ vườn; mỗi đợt thu hoạch sau chừng 2 tháng sẽ quay lại thu mua tiếp, nếu được chủ vườn đồng ý bán. Vào tháng Tết, nhu cầu của các nhà làm hàng cao hơn ngày thường, trong khi mùa đông rét mướt chuối ra lá chậm nên nguồn hàng khó kiếm. Vì vậy, địa bàn phải nới rộng ra không chỉ trong huyện mà phải tìm mua sang cả Đức Thọ, Hương Khê (Hà Tĩnh)... Nhiều lúc lá hiếm, không có để thu mua phải tìm lên các vùng rừng Thanh Chương cắt lá chuối rừng để đủ số lượng hàng đã ký kết theo hợp đồng.Chưa có thống kê trong một năm nghề thu mua lá chuối đã mang lại cho xã Hưng Long tổng doanh thu là bao nhiêu. Nhưng một điều không thể phủ nhận rằng nghề này đang đem lại cho người dân nơi đây nguồn thu nhập khá và ổn định.

Ngọc Anh