(Baonghean.vn) - Cử tri các địa phương miền biển đề nghị các ngành chức năng cần kịp thời ngăn chặn tình trạng ném mìn, kích điện bắt cá trên biển, hạn chế khai thác thủy sản gần bờ.

Về vấn đề này, Sở NN & PTNT trả lời như sau:

Trong thời gian qua, Sở NN và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản có nhiều giải pháp để tăng cường thời gian bám biển kiểm tra như: Phối kết hợp kiểm tra, kiểm soát với các đơn vị gồm Bộ đội Biên phòng tỉnh; Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy và chính quyền địa phương các cấp.

image_7447714.jpgNhững dãy cọc tre được đóng giữa dòng Sông Lam của người dân làm nghề đăng đáy. Ảnh minh họa, Xuân Hoàng

Bên cạnh việc tăng cường đậu trên biển, sử dụng xuồng cao tốc kiểm tra giám sát các hoạt động khai thác thủy sản còn lồng ghép các hoạt động khác để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho đội tàu hoạt động. 

Trong năm 2015 và 4 tháng đầu năm 2016, các Đội tàu Kiểm ngư đã hoạt động kiểm tra, kiểm soát và đậu giám sát trên biển được 474 ngày, kiểm tra được 4.136 lượt phương tiện. Số phương tiện vi phạm là 523 chiếc, xử phạt  690.680.000 đồng; tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm gồm 29 bộ giã điện; 516 dây lồng Bát quái; 2 quả mìn tự chế đã tra dây cháy chậm (khoảng 200g); 4 thỏi mìn công nghiệp (tương đương 800g), 4 kíp nổ đã tra dây cháy chậm, 1m dây cháy chậm, 4 bộ giã cào ngao.
Người dân đánh bắt cá bằng xung điện. Ảnh minh họa, Quỳnh Thanh

Như vậy, lực lượng kiểm ngư đã kiểm tra và xử lý kiên quyết các sai phạm. Tuy nhiên vẫn còn xảy ra tình trạng các tàu đánh bắt xa bờ không đúng tọa độ, sử dụng mìn, kích điện để đánh bắt làm ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản, mất cân bằng hệ sinh thái và nguồn lợi ở một số nơi.

 Nguyên nhân chính dẫn đến các tình trạng trên là:

- Do trình độ và nhận thức của một bộ phận ngư dân còn hạn chế.

- Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, tìm mọi biện pháp né tránh lực lượng kiểm tra; nhiều trường hợp tàu Kiểm ngư phát hiện thấy ngư dân ném mìn khai thác cá, nhưng khi rượt đuổi tiếp cận kiểm tra thì dùng vật nặng ném chất nổ chìm xuống biển xóa tang vật, nên lực lượng chuyên ngành không đủ căn cứ xử lý;

Việc đánh bắt cá bằng xung điện rất nguy hiểm. Ảnh minh họa, Quỳnh Thanh

Bên cạnh đó, sự kiểm tra, kiểm soát phối hợp của các lực lượng chức năng không được duy trì liên tục vì vùng biển rộng, phương tiện và nhân lực ít, kinh phí được cấp phục vụ  cho tàu hoạt động còn hạn chế; Một số nghề cấm có thu nhập cao hơn nên ngư dân vẫn cố tình vi phạm.

 Về phần giải pháp:

Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng dùng mìn để khai thác thủy sản, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp tập trung triển khai các nhiệm vụ sau:

-  Phối hợp đồng bộ với các ngành, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Thủy sản và các quy định của Nhà nước về lĩnh vực Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, môi sinh, môi trường thông qua các lớp tập huấn, các phương tiện truyền thông, nhất là ở các địa phương có tàu thuyền khai thác thủy sản để ngư dân hiểu và tự giác chấp hành.

Ca nô BĐBP tuần tra, xử lý các phương tiện vi phạm trong khai thác thủy sản trên biển. Ảnh Lê Thạch

- Các lực lượng như Công an, Biên phòng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển chất nổ, kiểm tra chặt chẽ tàu thuyền ra vào cửa lạch. Phát hiện, bắt giữ xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm. Tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa cộng đồng, chính quyền các cấp cùng với các lực lượng chức năng( lực lượng Kiểm ngư, Công an các cấp, lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển để ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm).

Thu mua cá tại cảng cá Lạch Quèn. Ảnh minh họa, Quỳnh Lan

- Đề xuất bố trí thêm nguồn kinh phí cho đội tàu Kiểm ngư để tăng thời gian hoạt động kiểm tra, kiểm soát; Tăng cường vai trò của các Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ tại các địa phương; vận động tuyên truyền cho cộng đồng ngư dân thực hiện tốt các quy định của nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

PV (TH)

TIN LIÊN QUAN