Nghệ An: Xác định đúng cây con chủ lực để tái cơ cấu nông nghiệp
(Baonghean) - Hội thảo khoa học về xác định cây, con chủ lực của Nghệ An đến năm 2025, định hướng 2030 được tổ chức nhằm đánh giá tổng quan kết quả sau gần 6 năm thực hiện Đề án phát triển cây, con chủ yếu theo Quyết định số 3079/QĐ-UBND ngày 03/7/2014 của UBND tỉnh.
28/05/2020 - 19:39
Rà soát, lựa chọn lại cây, con chủ lực
Theo đánh giá, giai đoạn 2014 - 2019, việc lựa chọn 19 cây con chủ lực với 21 chỉ tiêu để đầu tư, phát triển là quá dàn trải và chưa sát với thực tế bởi hầu như đề án không “bỏ sót” cây, con nào hiện có của Nghệ An. Trong khi đó, Lâm Đồng xác định 4 đối tượng chủ lực (rau hoa, cà phê, chè và bò sữa); Quảng Trị xác định 8 đối tượng; Bắc Giang chọn 8 sản phẩm... Vì xác định nhiều đối tượng, trong khi nguồn lực yếu, nên việc đầu tư và hỗ trợ đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, thiếu kết nối giữa các nguồn lực (trong đó có nguồn lực khoa học), khó thu hút doanh nghiệp. Vì vậy khó kết nối chuỗi, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm đầu ra giá trị thấp, bấp bênh, chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát, năng lực cạnh tranh thấp.
Thu hoạch tôm nuôi ở xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Xuân Hoàng
Kết quả là trong 21 chỉ tiêu đề án đưa ra, chỉ có 7 chỉ tiêu vượt mục tiêu Đề án, đạt 33%; 4 chỉ tiêu đạt chiếm 0,14% và 10 chỉ tiêu không đạt hoặc khó đạt chiếm 47,0%. Do đó, việc rà soát, xác định lại cây con chủ lực của Nghệ An là vấn đề cần thiết.
Với tầm nhìn của một nhà quản lý, một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp và có thời gian gắn bó lâu dài với Nghệ An, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, cần phải có sự thống nhất về khái niệm và tiêu chí về sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Nghệ An để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện và xây dựng chính sách.
Trên cơ sở đó đưa ra danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực phù hợp cho giai đoạn 2020 - 2030. Ông Hùng đề xuất, không nên đưa cây sắn nguyên liệu vào nhóm cây chủ lực vì chỉ đóng góp khoảng 0,7% vào giá trị sản xuất của ngành, mặt khác đây là loại cây trồng “phá đất” và thực sự không thu hút nhiều lao động, cả về tiêu chí xã hội, kinh tế, môi trường và hướng phát triển ưu tiêu đều không lợi thế.
Một số sản phẩm xuất khẩu truyền thống trước đây như lạc nhân, thủy, hải sản đông lạnh, súc sản chế biến… kim ngạch xuất khẩu ngày càng giảm, thậm chí không còn tên trong danh mục hàng xuất khẩu. Ảnh tư liệu
Ông Hùng cũng đồng thời đề xuất cân nhắc đánh giá lại cây lạc khi đưa ra khỏi đề án. Nghệ An có diện tích trồng lạc gần 15.000 ha (10% cả nước). Đây là vùng lạc truyền thống, tuy đóng góp chỉ 1,53% giá trị của ngành, nhưng lại thu hút lao động cao, nhất là hộ dân vùng đất cát pha và thời vụ ngắn thân thiện môi trường, cải tạo đất và còn có tác dụng trồng xen vụ, rải vụ. Tách cây bơ thành cây chủ lực tương lai gần và đưa cây chanh không hạt vào quy hoạch cây chủ lực. Đối với chăn nuôi, thủy sản, ông Hùng đề xuất giữ lại các “con” trâu, bò, bò sữa; tôm, cá nước ngọt.
Kỹ sư Doãn Trí Tuệ, Hội Giống cây trồng Nghệ An, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất, đề án chỉ nên lựa chọn và giữ lại 7 cây, 4 con, gồm: Lúa, ngô, lạc, mía, chè công nghiệp, cam và cây dược liệu. Về con, tập trung đầu tư phát triển trâu, bò (bao gồm cả bò sữa), lợn và gia cầm (gà, vịt).
Đàn gia cầm của Nghệ An trong những năm qua cũng tăng mạnh, do người dân trên địa bàn các huyện trung du, miền núi đầu tư chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại bán thả đồi ngày càng nhiều. Ảnh: P.V
Trên cơ sở lợi thế so sánh và cơ hội thị trường, xem xét thực tế về lợi thế để tham gia vào chuỗi sản phẩm chủ lực quốc gia, đại diện Sở KH&CN đề xuất 6 đối tượng thuộc sản phẩm chủ lực, đó là: cây ăn quả (gồm cây có múi, bơ); cây chè các loại (bao gồm cả chè Shan, Ô long và chè hoa vàng); thịt và trứng gia cầm (tập trung con gà); tôm các loại; thịt lợn; gỗ và sản phẩm từ gỗ (bao gồm cả tre).
Đồng thời cần xác định một số đối tượng là chủ lực của tỉnh mà chưa phải là sản phẩm chủ lực quốc gia gồm 3 đối tượng: Bò sữa và bò thịt; mía và sản phẩm từ mía; cây dược liệu và sản phẩm dược. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố, thị xã, trên cơ sở sản phẩm chủ lực của tỉnh để chọn sản phẩm tham gia chuỗi, đồng thời cần xác định cây con đặc sản đặc trưng của mình để tham gia chương trình OCOP.
Mục tiêu chính của Đề án giai đoạn 2021-2025: Tốc độ tăng trưởng GTSX bình quân của cây, con chủ lực trong giai đoạn 2021 -2025, tầm nhìn đến năm 2030 đạt 4 - 4,5%/năm. Cơ cấu GTSX của cây, con chủ lực đến năm 2025 chiếm 70-75% tổng GTSX ngành nông, lâm, thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cây, con chủ lực đạt khoảng 360 - 380 triệu USD.
Giải pháp phát triển
Sau khi xác định lại các sản phẩm chủ lực, thì việc xây dựng kế hoạch tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm này gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tạo giá trị gia tăng cao, đẩy nhanh tốc độ chất lượng tăng trưởng, phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh cũng là một nội dung quan trọng được đặt ra tại hội thảo lần này. Theo đó, một trong những tiêu chí của sản phẩm nông nghiệp chủ lực là có khả năng cung cấp sản lượng lớn, an toàn, ổn định lâu dài. Muốn có sản xuất hàng hóa lớn, đưa KHKT vào áp dụng đồng bộ vào đồng loạt, thì nhất thiết phải từng bước tích tụ ruộng đất.
Nông dân Nam Đàn cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hải Vương
Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, tỉnh cần có kế hoạch và khuyến khích tích tụ ruộng đất bằng nhiều hình thức khác như: Chuyển quyền sử dụng ruộng đất, cho thuê đất, liên kết sản xuất giữa hợp tác xã hoặc tổ hợp tác với các doanh nghiệp xây dựng lại thành hợp tác xã cổ phần kinh doanh và phục vụ nông nghiệp, người nông dân đóng cổ phần bằng ruộng đất là chủ yếu.
Bên cạnh đó, cần định hình vùng sản xuất tập trung cho từng đối tượng, quy định diện tích tối thiểu tham gia chuỗi để thuận lợi áp dụng khoa học kỹ thuật và chuyên môn hóa, cơ giới hóa. Ví dụ: Bò sữa tập trung ở vùng Tây Bắc, bò thịt ở vùng Tây Nam; cây ăn quả tập trung vùng Trung du; dược liệu tập trung vùng núi thấp, núi cao...
Mỗi vùng, mỗi đối tượng cần có chủ trương chuyên môn hóa các khâu: Giống, phân, canh tác, thu hoạch và chế biến sau thu hoạch, dịch vụ. Hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhất là điện, giao thông và sơ chế, bảo quản. Và đặc biệt cần có doanh nghiệp chủ lực nhằm dẫn dắt cả vùng cho từng sản phẩm.
Ứng dụng KHKT, các tiến bộ về giống, về công nghệ chế biến vào sản xuất nông nghiệp được đề án chú trọng. Ảnh: P.V
Đồng thời cần quan tâm xây dựng thương hiệu, xúc tiến, quảng bá sản phẩm và kết nối mạng thị trường trên phạm vi toàn tỉnh, vùng và quốc gia. Mỗi sản phẩm cần xác định rõ thị trường chiến lược dù đó là thị trường trong hay ngoài nước để có giải pháp xúc tiến thương mại, chiến lược sản phẩm phù hợp.
Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện, công trình thủy lợi cho tất cả các vùng sản xuất hàng hóa; đầu tư mạnh vào nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; có cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch (VietGAP), nông nghiệp hữu cơ để sản phẩm làm ra thực sự là sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Mời gọi các nhà doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh vào các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm như: Chế biến thịt trâu, bò, lợn, gà, cam,… để vừa giải quyết tiêu thụ sản phẩm thô cho người sản xuất, vừa nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa và từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển.
Nhiều giống cam được trồng ở nhiều địa phương như Yên Thành, Thanh Chương, Con Cuông, Tân Kỳ... có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh tư liệu Xuân Hoàng
Là một đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Hồ Xuân Hùng khẳng định: Kết thúc năm 2019 cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Nghệ An vẫn chiếm 19 - 20% tỷ trọng GDP tỉnh nhà. Trên bình diện chung Nghệ An vẫn là tỉnh nông nghiệp, vẫn còn tới 42% lao động nông nghiệp và hơn 85% cư dân sống ở nông thôn.
Thực tế trong vòng vài chục năm nữa, theo tôi, lợi thế so sánh của Nghệ An so với cả nước vẫn là nông nghiệp. Vì vậy Nghệ An cần tranh thủ cơ hội, nhất là sau khi đã xác lập được những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, cùng với những sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh có chính sách phù hợp thúc đẩy phát triển nhanh tạo đột phá, bền vững.
Hội thảo khoa học về xác định cây con chủ lực Nghệ An đến năm 2025, định hướng 2030 thực sự là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành nông nghiệp có tâm huyết, giàu kinh nghiệm, đề xuất, gợi mở mang tính vĩ mô một cách thẳng thắn, có trách nhiệm. Trên cơ sở đó, Nghệ An lựa chọn được những cây, con chủ lực phù hợp với mọi điều kiện, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay.
Để đạt được tốc độ tăng trưởng và các mục tiêu như trên, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2020 - 2025 dự kiến 45.000 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Dự kiến được phân khai như sau: Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước: 11.250 tỷ đồng, đáp ứng được 25% tổng nhu cầu vốn đầu tư; Nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp: 13.500 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu vốn đầu tư; Nguồn vốn huy động trong dân: 18.000 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu vốn đầu tư; Vốn đầu tư nước ngoài: 1.110 tỷ đồng, đáp ứng được khoảng 2,5% nhu cầu vốn đầu tư; Vốn tín dụng: 1.140 tỷ đồng, chiếm khoảng 2,5% tổng nhu cầu vốn đầu tư.
(Baonghean.vn) - Sau 5 năm thực hiện đề án phát triển cây con chủ lực của Nghệ An, ngoài những kết quả đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục rà soát, điều chỉnh, chọn ra những loại cây trồng thực sự chủ lực, phù hợp để tập trung nguồn lực đầu tư.