Các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An và Trương Văn Sáu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long đã thông báo với nhau về một số tiềm năng, lợi thế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi tỉnh trong thời gian gần đây.
Đối với tỉnh Nghệ An trên lĩnh vực phát triển kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 58.422 tỷ đồng, tăng 8,02% so với cùng kỳ; cao hơn cùng kỳ năm ngoái (9 tháng đầu năm 2017 tăng 7,61%). Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh - quốc phòng được giữ vững.
Trong thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã xác định và chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung: xây dựng hình ảnh người đảng viên mẫu mực, có uy tín trong nhân dân; đổi mới phong cách với tinh thần gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; đổi mới tư duy, thực sự cầu thị, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực trong thu hút đầu tư; tiếp tục duy trì nhiều mô hình tốt, cách làm hay, cụ thể, thiết thực trong học tập và làm theo Bác, nhất là các phong trào tương thân, tương ái, giúp đỡ người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh.
Qua 2 năm triển khai, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình mới cách làm hay, sáng tạo, thiết thực về học tập và làm theo Bác.
Đặc biệt, cách làm riêng của tỉnh Nghệ An là tiếp tục duy trì và thực hiện tốt mô hình phân công 112 các sở, ban, ngành, doanh nghiệp giúp đỡ 112 xã nghèo; “Tiết kiệm bản thân để phần người khó”, “Đoàn kết thương yêu giữa lương và giáo”, “Nâng bước em đến trường”, “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “hũ gạo tiết kiệm”, “bát cháo tình thương”, “Tết vì người nghèo”,…
Đối với tỉnh Vĩnh Long ở Trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đảng bộ tỉnh có 12 đảng bộ trực thuộc, 402 chi, đảng bộ cơ sở với 40.500 đảng viên. Vĩnh Long là một trong những tỉnh giàu truyền thống cách mạng, nơi còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa cách mạng, văn hóa vật thể, phi vật thể với 650 di tích.
Là tỉnh không rừng, không biển, không núi và không biên giới, Vĩnh Long có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có điều kiện phát triển công nghiệp chế biến nông sản và phát triển dịch vụ về y tế, giáo dục đào tạo; phát triển du lịch sinh thái miệt vườn,…Đến nay, Vĩnh Long có 39/89 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu ngân sách năm 2017 đạt 6.336 tỷ đồng,…
Trao đổi kết quả về thực hiện Chỉ thị 05 của Vĩnh Long, đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, xuất hiện những tập thể, cá nhân điển hình ở hầu hết các cấp, các ngành.
Điển hình như mô hình: “Ngày thứ 7, chủ nhật vì dân”, “Tuổi cao gương sáng” của Hội người cao tuổi xã Tân Hội, “Đèn chiếu sáng kết hợp với cột cờ” của xã Tân Quới, “Mô hình 3 không, 4 phải” theo Điều lệnh của Công an nhân dân của Chi bộ Tổng hợp Công an huyện Vũng Liêm, mô hình: “Lấy hoa thơm lấn cỏ dại” của Chi bộ Trường THCS Trà Ôn,…
Trong 2 năm qua, toàn tỉnh Vĩnh Long đã biểu dương, khen thưởng 18.828 tập thể và cá nhân (trong đó cấp huyện và tương đương 2.180, cấp tỉnh 83 và Trung ương 1).
Tại buổi gặp gỡ, các tập thể, cá nhân của hai tỉnh Nghệ An - Vĩnh Long trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện học tập và làm theo Bác.