(Baonghean.vn) - Sáng 27/7, UBND tỉnh đã tổ  chức Hội thảo: “Xác lập, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An: thực trạng và giải pháp ”

Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ông Đào Đức Huấn – Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn cùng đại biểu đến từ một số Bộ, ngành Trung ương.

Về phía tỉnh Nghệ An có: đồng chí Huỳnh Thanh Điền – Ủy viên BCH Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các Sở, ban, ngành cấp tỉnh.

images1634371_3.jpgCác đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm đặc sản đã được bảo hộ nhãn hiệu của tỉnh Nghệ An

Trong thời gian qua, Nghệ An đã triển khai nhiều hoạt động sở hữu trí tuệ. Nhờ vậy, hoạt động quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp đã có nhiều đổi mới, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp.

Đến năm 2016, đã có 632 đối tượng được bảo hộ (trong đó có 582 nhãn hiệu, 34 kiểu dáng, 5 giải pháp hữu ích, 11 sáng chế). Có 139 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề. Nghệ An có một chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm Cam Vinh của tỉnh. Một nhãn hiệu chứng nhận cho nước mắm Vạn Phần, 10 đối tượng được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể; 9 đối tượng đã có đơn tiếp nhận tại Cục sở hữu trí tuệ; 9 đơn đăng ký cấp đăng bạ về nhãn hiệu tập thể và phần lớn đã được cục Sở hữu trí tuệ chập nhận đơn.

Đồng chí Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh vai trò của Sở KH&CN chủ trì,cùng các sở ngành, hiệp hội liên quan cần phải vào cuộc mạnh mẽ để tiếp tục phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động xác lập, quản lý và phát triển Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu trí tuệ, nhãn hiệu chứng nhận (CDĐL, NHTT, NHCN) vẫn còn nhiều khó khăn: nhận thức của nhiều doanh nghiệp và địa phương về vai trò quan trọng của việc đăng ký bảo hộ CDĐL, NHTT, NHCN cho các đặc sản địa phương vẫn còn hạn chế.

Tại hội thảo, ông Lê Ngọc Sỹ - Phó Phòng Công thương huyện Nam Đàn, trao đổi về khó khăn trong việc sử dụng thương hiệu Tương Nam Đàn

Đến tháng 5/2016, Nghệ An mới chỉ có 12 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ dưới dạng NHTT, CDĐL, NHCN. Số lượng đối tượng được bảo hộ hàng năm vẫn còn quá khiêm tốn so với tổng số các cơ sở sản xuất, kinh doanh, làng nghề.

Bên cạnh đó, sản phẩm mang CDĐL, NHTT, NHCN tham gia vào thị trường còn chưa nhiều, chưa rộng; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu của CDĐL,NHTT, NHCN còn lỏng lẻo…

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ trao đổi về vấn đề đặt ra và giải pháp cho hoạt động quản lý CDĐL, NHTT, NHCN trong thời gian tới đối với một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh Nghệ An

Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về: Vai trò của việc bảo hộ  chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể (CDĐL &NHTT), thực trạng chung, vấn đề xác lập, quản lý, phát triển CDĐL &NHTT trên địa bàn Nghệ An; xây dựng một số thương hiệu tiêu biểu; tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống; Quản lý NHTT cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các đại biểu còn tập trung thảo luận các vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm cho hoạt động quản lý CDĐL, NHTT, NHCN trong thời gian tới đối với một số sản phẩm: Cam Vinh, Ngói Cừa, Chè Nghệ An, hương trầm Quỳ Châu, Tương Nam Đàn, nước mắm Vạn Phần. Chia sẻ kinh nghiệm xác lập, quản lý và phát triển CDDL&NHTT một số sản phẩm đặc trưng của các địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp để xác lập, quản lý và phát triển CDĐL, NHTT, NHCN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Cam Vinh, sản phẩm duy nhất trên địa bàn tỉnh đã được chỉ dẫn địa lý "Vinh" (Ảnh minh họa)

Phát biểu kết luận tại hội thảo, đồng chí Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Nghệ An xác định việc phát triển thương hiệu cộng đồng nói riêng và tài sản trí tuệ nói chung là một trong các công việc ưu tiên hàng đầu hiện nay. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho sở KH&CN, trong thời gian tới, hỗ trợ đăng ký, quản lý và phát triển tài sản, trí tuệ trong và ngoài nước cho các sản phẩm, hàng hóa đặc hữu của địa phương dưới dạng CDĐL,NHCN, NHTT.

Khâu nối một số đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để hỗ trợ và đồng hành trong xây dựng, định hướng, phản biện lại các chính sách trong vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ các tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Ban hành và thực hiện chương tình về phát triển tài sản, trí tuệ của tỉnh, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để đầu tư, phát triển thương hiệu sản phẩm.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các Hội sản xuất và kinh doanh Cam Vinh tiến hành các thủ tục để bảo hộ nhãn hiệu, nhãn hiệu chứng nhận; giao UBND huyện Quỳ Châu, Tân Kỳ, UBND huyện Nam Đàn; UBND TP.Vinh, các huyện, thị xã cần sớm điều tra, đánh giá thống kê các tài sản SHTT trên địa bàn, nêu rõ những định hướng ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Nguyệt Minh

TIN LIÊN QUAN