(Baonghean.vn) - Ngày 27/8 (tức ngày 6 tháng 7 năm Đinh Dậu), tại Di tích Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (phường Quang Trung, thành phố Vinh), Sở Văn hóa và Thể thao, Ban quản lý di tích và danh thắng Nghệ An tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 76 năm ngày mất của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.

Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, đại diện các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, UBND thành phố Vinh, UBND phường Quang Trung, đại diện hội đồng gia tộc dòng họ Nguyễn Huy tại Hà Nội, đại diện hội đồng gia tộc dòng họ Lê ở Hưng Thông, Hưng Nguyên, Nghệ An; đại diện Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Lê Chân, Tp Hải Phòng cùng đông đảo nhân dân tỉnh Nghệ An và du khách thập phương. 

images1987699_dsc_2809.jpgĐại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An và đông đảo người dân đã về làm lễ tưởng niệm nhân lễ giỗ lần thứ 76 của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Thanh Sơn

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, các đại biểu đã ôn lại thân thế, sự nghiệp và quá trình hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 01 tháng 11 năm 1910, tại phố Ga cũ, xã Vĩnh Yên (nay thuộc phường Quang Trung, thành phố Vinh). Quê quán ở xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm (nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), Hà Nội.

Thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh dâng hoa, dâng hương bày tỏ tấm lòng thành kính biết ơn đối với đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Thanh Sơn

Năm 16 tuổi, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai chính thức dấn thân vào con đường cách mạng và gia nhập đảng Tân Việt. Năm 1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, phân công phụ trách huấn luyện đảng viên ở Trường Thi - Bến Thủy, rồi sang Hương Cảng (Trung Quốc), làm việc ở văn phòng chi nhánh Đông Dương của Quốc tế cộng sản.

Đồng chí bị đặc vụ Quốc dân Đảng Trung Quốc bắt giam (1931 - 1933), nhờ Quốc tế cứu tế đỏ vận động mới được trả tự do. Ra tù, đồng chí công tác ở Ban Chỉ huy hải ngoại của Đảng (8/1934). Năm 1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai học tại Trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô; là đại biểu chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Matxcơva. 

Đông đảo người dân Nghệ An đến dâng hương tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Thanh Sơn

Năm 1936, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai về nước truyền đạt những chỉ thị của Quốc tế cộng sản, được chỉ định làm Bí thư Thành uỷ Sài Gòn - Chợ Lớn và Uỷ viên Xứ uỷ Nam Kỳ, trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Ngày 30/7/1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn - Sài Gòn và bị tòa án binh của địch kết án tử hình. Ngày 28/8/1941 (tức ngày 6 tháng 7 năm Tân Tỵ), đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã anh dũng hy sinh tại trường bắn Bà Điểm - Hóc Môn, Gia Định cùng với các đồng chí Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Văn Cừ.

Tập thể giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Lê Chân, TP Hải Phòng do cô hiệu trưởng Thái Bích Vân làm trưởng đoàn dâng hương bày tỏ lòng biết ơn nữ chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất. Ảnh: Thanh Sơn

Tại buổi lễ, các đại biểu tham dự đã thành kính dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của thành phố Vinh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Việt Nam./.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN