Chiều 2/10, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Nghệ An phối hợp tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Nghệ An, với chủ đề: “Chính quyền đồng hành - Doanh nhân phát triển”. Đây là hoạt động ý nghĩa của chuỗi sự kiện kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2020) và hướng đến chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX.
Về tỉnh Nghệ An, có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh; đại diện các Hiệp hội, các Hội doanh nghiệp, doanh nhân và hơn 300 đại biểu là doanh nhân tiêu biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Nghệ An.
ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP VƯỢT QUA KHÓ KHĂN
Mở đầu diễn đàn, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có bài phát biểu quan trọng về các nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp thời kỳ Covid-19.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, từ đầu năm 2020 đến nay, những khó khăn, thách thức lớn đến từ đại dịch Covid -19 đã tác động mạnh tới phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng.
Mặc dù vậy, với sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, triển khai đồng bộ các giải pháp, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh và sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, tỉnh Nghệ An đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid 19, việc đạt được kết quả tích cực nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, còn có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp trong tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Với thông điệp “đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, khi dịch Covid-19 bùng phát, UBND tỉnh kịp thời ban hành Kế hoạch số 179 ngày 31/3/2020 đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, ứng phó với đại dịch Covid-19.
Tỉnh thành lập Tổ liên ngành thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hợp tác đầu tư nước ngoài; đưa Trung tâm phục vụ hành chính công vào hoạt động nhằm thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Tỉnh Nghệ An thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp gỡ, đối thoại với các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nhân; chỉ đạo các ngành liên quan chủ động nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn.
Với phương châm hành động “xem vướng mắc của doanh nghiệp là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, từ đó tập trung cùng tháo gỡ”, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tạo “đòn bẩy” phát triển kinh tế xã hội, đồng chí Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, trong thời gian tới UBND tỉnh sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.
Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh với tinh thần cụ thể từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp, địa bàn nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục tuyên truyền, quán triệt để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của các cán bộ, công chức với quan điểm: Phải xem doanh nghiệp, nhà đầu tư là đối tượng phục vụ. Quan điểm và cách tiếp cận này phải được quán triệt trong toàn bộ hệ thống chính trị của địa phương, từ lãnh đạo các cấp đến cán bộ trực tiếp làm việc với nhà đầu tư và xử lý các công việc liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt và có tính đột phá để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Kịp thời xử lý, giải quyết những vướng mắc, đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Thúc đẩy các phong trào khởi nghiệp kinh doanh, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo…
Chia sẻ về cơ hội và thách thức của cộng đồng doanh nghiệp trong thời kỳ bình thường mới, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường nên trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất khó khăn.
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, năng lực cốt lõi của cộng đồng, của cá nhân, chỉ số thích ứng quan trọng nhất là khả năng chống chịu. Vì thế, doanh nghiệp muốn tăng khả năng chống chịu thì phải đổi mới sản xuất kinh doanh, xây dựng mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, hiện quy định về môi trường đầu tư đang còn nhiều điểm chồng chéo, bất cập. Và nhiệm vụ của Chính phủ và Quốc hội là phải rà soát nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, để Chính phủ, Quốc hội làm được thì doanh nghiệp phải chung tay, hiến kế, đóng góp mạnh mẽ vào quá trình này.
Đồng thời, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, kể cả doanh nghiệp nhỏ. Đổi mới hệ thống quản trị theo hướng linh hoạt, mỗi thành viên phát huy được vai trò của mình, xác định con người là trung tâm. Người chủ doanh nghiệp đóng vai trò người lãnh đạo chứ không phải người sở hữu. Giá trị của doanh nghiệp trong tương lai không phải là tiền bạc mà là giá trị thương hiệu.
Đánh giá Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng, đặc biệt có 2 lợi thế quý giá nhất là đất đai và con người. Nghệ An cũng có số lượng doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, nếu tính GDP trên đầu người và doanh nghiệp trên đầu dân thì Nghệ An còn thấp.
"Với vị thế địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi, nằm giữa 2 đại công trường là Vũng Áng và Nghi Sơn, Nghệ An trong thời gian tới nên phát triển ngành nghề dịch vụ, thương mại, tài chính, và đào tạo nguồn nhân lực", ông Lộc nói.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị Nghệ An tăng cường tính năng động, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; Triển khai hiệu quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, các chi phí không chính thức… Đồng thời, chủ động công khai, minh bạch thông tin; áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.
Tại diễn đàn, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế chia sẻ với Hội nghị về những tác động của Đại dịch Covid-19 đến các ngành kinh tế cao cấp Việt Nam và giải pháp đối với doanh nghiệp và những giải pháp đối với doanh nghiệp trong thời gian tới.
Chia sẻ, tâm sự tại diễn đàn, ông Trần Anh Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Nghệ An cho rằng, để thực hiện hóa khẩu hiệu chính quyền đồng hành thì trước tiên chính quyền phải thấu hiểu doanh nghiệp; bỏ tư tưởng “cửa quyền” và xây dựng tinh thần phục vụ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần có cơ chế, chính sách minh bạch rõ ràng, có tính kế thừa; đồng hành bằng con người, bằng chỉ đạo văn bản, phân công đầu mối cụ thể; Chính quyền cần sâu sát hơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xử lý nghiêm cán bộ, công chức “hành” doanh nghiệp.
Ông Phan Thanh Miễn – Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nghệ An cho rằng, tỉnh cần có quy hoạch giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện tiếp cận đất đai. Đồng thời, mời doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến vào vấn đề cải cách hành chính.