(Baonghean) - Để thành phố Vinh trở thành trung tâm y tế kỹ thuật cao theo Đề án của UBND tỉnh, cần phải triển khai thành công 3 kỹ thuật mang tính mũi nhọn là: xạ trị trong điều trị ung thư, thụ tinh trong ống nghiệm và ghép tạng... Hiện nay, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ở Nghệ An đã bắt đầu triển khai với những ca đầu tiên.
Theo bác sỹ Hồ Thị Huyền Trang - Đơn vị hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, thực tế việc điều trị vô sinh đã được bệnh viện thực hiện từ lâu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc bơm tinh trùng vào tử cung. Hiện nay, đơn vị đã có thể thực hiện được các kỹ thuật hiện đại nhất của thụ tinh ống nghiệm đó là tiêm tinh trùng vào bào tương trứng...
Hiện tại đã có 25 cặp vợ chồng đến đăng ký thực hiện tại đơn vị, tất cả là người dân miền Trung, trong đó, đã có 5 ca thực hiện những bước đầu tiên, các ca còn lại sẽ tuần tự thực hiện dần.
Cũng theo bác sỹ Trang, để có thể hoàn thiện được các kỹ thuật trong điều trị vô sinh cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, cách đây 2 năm, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh đã cử các kíp bác sỹ đi học tập kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ở Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hy Vọng (thành phố Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội). Đồng thời, bệnh viện đã thực hiện đầu tư mua sắm trang thiết bị trị giá gần 30 tỷ đồng.
Các cặp vợ chồng hiếm muộn khi đến đây sẽ lần lượt trải qua các bước: Khám lâm sàng, tiêm thuốc kích trứng cho người vợ, sau 14 - 15 ngày sẽ tiêm thuốc rụng trứng, chọc hút trứng, lấy và lọc rửa tinh trùng, tiêm tinh trùng vào bào tương trứng, đưa trứng vào labo xử lý ủ, tạo phôi, nuôi phôi và cuối cùng là đưa phôi tươi vào tử cung...
Trong điều kiện nội mạc tử cung không thích hợp cho việc mang thai, phôi sẽ được đông lạnh và chuyển vào chu kỳ thích hợp sau. Trong điều kiện, chồng hoặc vợ không có tinh trùng hoặc giảm chất lượng dự trữ buồng trứng thì các bác sỹ sẽ tư vấn cho các cặp vợ chồng xin tinh trùng, trứng để thực hiện.
Ở những ca đều trị đầu tiên này, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh sẽ nhận được sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Trung tâm Sinh sản Quốc gia và Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Việc hỗ trợ chấm dứt khi các bác sỹ của bệnh viện hoàn toàn làm chủ công nghệ, kỹ thuật.
Bác sỹ Hồ Thị Huyền Trang cho biết: Ở Việt Nam ngoài một số bệnh viện ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì chỉ có Bệnh viện Phụ sản Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa thực hiện thành công thụ tinh trong ống nghiệm.
Xác suất thành công 1 lần đưa phôi vào tử cung để mang thai là 40%; xác suất thành công thụ tinh ống nghiệm đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn là 48%. Xác suất thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có nội tiết tố người mẹ. Được biết, chi phí mỗi ca thụ tinh ống nghiệm ở Nghệ An hiện tại dao động từ 50 - 70 triệu đồng. Trong đó, chi phí cho thuốc kích trứng dao động từ 30 - 50 triệu đồng (phụ thuộc vào số lần kích trứng) và chi phí kỹ thuật là 20 triệu đồng.
Với việc kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được triển khai tại Nghệ An đã mở ra cơ hội có con đối với các cặp vợ chồng hiếm muộn trong tỉnh và khu vực với chi phí điều trị ít hơn, hơn nữa người bệnh cũng tiết kiệm được chi phí sinh hoạt, đi lại...
Từ Thành