Các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Thanh Hoàng - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Nguyễn Văn Long - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Tôn giáo - Sở Nội vụ đồng chủ trì hội nghị.
Chuyển biến khá toàn diện
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 02 tổ chức tôn giáo hợp pháp là Công giáo, Phật giáo và tín đồ của 08 tổ chức tôn giáo khác. Số lượng tín đồ có gần 388.200; có 422 cơ sở tôn giáo; 246 chức việc; 301 chức sắc; 02 cơ sở đào tạo; 04 cơ sở từ thiện - xã hội.
Trên cơ sở quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và các quy định pháp luật khác có liên quan và sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo 68 của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ; các Bộ, ban, ngành Trung ương, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo giải quyết tốt các vấn đề tôn giáo phát sinh trên địa bàn.
Từ đó, tạo chuyển biến khá toàn diện, thống nhất cao trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về quan điểm, chủ trương, phương pháp giải quyết nhu cầu tôn giáo chính đáng, đúng pháp luật cũng như xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật.
Nhờ đó, đường hướng của các tổ chức tôn giáo ngày càng đi vào quỹ đạo và đúng tôn chỉ, mục đích Giáo hội các tôn giáo đặt ra. Trong năm 2020, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, không nảy sinh các vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến an ninh trật tự; các vụ việc phức tạp trước đây đang được tháo gỡ và dần đi vào ổn định.
Đáng chú ý là các tổ chức tôn giáo đã tích cực phối hợp tốt trong việc hỗ trợ, động viên các cá nhân, tổ chức trên tuyến đầu chống dịch Covid-19, chấp hành quy định giãn cách xã hội. Các tổ chức tôn giáo chấp hành khá tốt việc thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định để được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các nhu cầu tôn giáo.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, một số cơ sở tôn giáo tại một số địa phương vẫn còn tình trạng mua bán, chuyển nhượng, lấn chiếm, mở rộng; việc thuyết phục, xử lý chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao. Vẫn còn vướng mắc trong giải quyết các nhu cầu tôn giáo, dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự…
Nhiệm vụ trọng tâm của công tác tôn giáo năm 2021 được Hội nghị xác định theo chủ trương xem xét, giải quyết vấn đề tôn giáo, liên quan đến tôn giáo, một cách toàn diện, lâu dài, đặt trong tổng thể các vấn đề kinh tế, xã hội gắn với mục tiêu ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục quán triệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành về công tác tôn giáo và các nghị quyết, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chủ trương, biện pháp giải quyết vấn đề tôn giáo trên địa bàn.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cả trong xem xét nhu cầu cũng như việc phòng ngừa, xử lý vi phạm, tập trung xử lý các vụ việc còn tồn đọng những năm trước. Hoàn thành việc phân công, phân cấp trong công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên bố trí đủ, có chất lượng đội ngũ cán bộ, tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao toàn diện về kiến thức pháp luật, tôn giáo…
Tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm tại vùng có đông tín đồ, nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào có đạo; chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục các sai sót, vi phạm trong thực hiện chính sách kinh tế - xã hội…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề về vận động các chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tham gia công tác mặt trận; đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của hiện tượng tôn giáo mới; công tác quản lý đất đai tôn giáo…
Dịp này, 05 tập thể và 5 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo năm 2020.