(Baonghean.vn) - 'Chiếu sáng học đường' là chương trình chiếu sáng có ý nghĩa giúp bảo vệ mắt học trò đang được cả xã hội quan tâm.

Hiện cơ bản các trường học có cường độ chiếu sáng phục vụ cho công tác dạy và học tương đối thấp, ánh sáng chỉ đạt trong khoảng từ 90 - 200 (Lux), gây ảnh hưởng xấu đến thị lực của học sinh; tỷ lệ học sinh mắc các tật về mắt tăng dần theo các cấp học....

Theo Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế, Tiêu chuẩn Quốc gia về ánh sáng trường Tiểu học và cho phòng học là không được nhỏ hơn 300 Lux. Như vậy, đa số phòng học của các trường có cường độ ánh sáng chưa đạt yêu cầu so với các quy định hiện hành. 

Tại Việt Nam tỷ lệ cận thị trong học đường hiện khoảng 30-40%, ở một số thành phố lớn, con số này còn lên tới 80% và ngày càng có xu hướng gia tăng ở lứa tuổi nhỏ. Một phần nguyên nhân là do việc sử dụng ánh sáng không hợp lý. Lứa tuổi học sinh cơ quan thị giác hoạt động liên tục và căng thẳng. Vì vậy quan tâm đến điều kiện chiếu sáng cho học sinh ngay từ khi vào lớp học là hết sức quan trọng và cần thiết.

Thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng và hiệu quả giai đoạn 2016-2020 của tỉnh Nghệ An, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Nghệ An (Sở Công Thương Nghệ An) đã tiến hành khảo sát sơ bộ hiện trạng hệ thống chiếu sáng tại các trường Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Vinh; đồng thờ  triển khai kế hoạch lắp đặt thí điểm mô hình chiếu sáng học đường cho các trường trên toàn tỉnh. Các trường học được lắp đặt bộ đèn chiếu sáng lớp học bảo đảm độ rọi đồng đều, không bị loáng quạt; cải tạo hệ thống đường điện, công tắc hợp lý bảo đảm mỹ quan.

 Đèn được treo cách mặt phẳng làm việc khoảng 2,15m nhằm đảm bảo độ rọi đồng đều, không bị loáng quạt. Ảnh Liên Trần
Đèn được treo cách mặt phẳng làm việc khoảng 2,15m nhằm đảm bảo độ rọi đồng đều, không bị loáng quạt. Ảnh Liên Trần

Theo đó, chương trình đã triển khai một số mô hình chiếu sáng mẫu cho các lớp tiểu học trên địa bàn tỉnh bằng cách không lắp trực tiếp bóng đèn vào trần nhà mà lắp thêm máng đèn để học sinh và giáo viên không nhìn thấy bóng đèn, gây chói mắt. Đèn được treo cách mặt phẳng làm việc khoảng 2,15m nhằm đảm bảo độ rọi đồng đều, không bị loáng quạt, cải tạo hệ thống đường điện, công tắc hợp lý bảo đảm mỹ quan.

Sau một thời gian triển khai, giải pháp hạ thấp độ cao treo đèn đã giúp giảm được số đèn so với cách treo sát trần từ 2-3 bóng/phòng học. Độ rọi sáng tại các phòng học đạt từ 300 – 350 (lux), ánh sáng mỗi phòng học tăng 3,5 lần. Bên cạnh đó, còn giúp tiết kiệm được 10% điện năng so với bóng đèn huỳnh quang thường. Máng đèn bằng thép được sơn tĩnh điện tạo mặt phẳng phản quang, phân bố ánh sáng hợp lý, tăng độ rọi hữu ích lên mặt bàn học khoảng 30%.

Ngoài ra, bóng đèn còn được sử dụng chấn lưu điện tử giúp đèn không bị nhấp nháy, cho ánh sáng đồng đều, giúp học sinh không bị mỏi mắt, đồng thời đáp ứng mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, lượng điện tiêu thụ giảm mỗi phòng học 40-50% điện năng tiêu thụ so với hệ thống chiếu sáng cũ.

Giải pháp hạ thấp độ cao treo đèn đã giúp giảm được số đèn so với cách treo sát trần từ 2-3 bóng/phòng học. Ảnh Liên Trần

Tính đến nay, Trung tâm tiết kiệm năng lượng Nghệ An đã hoàn thiện chiếu sáng học đường cho gần 50 lớp học tại các trường tiểu học trên toàn tỉnh, như trường tiểu học Kỳ Sơn, tiểu học Nam Kim, tiểu học Đôn Phục, tiểu học Hecman…

Đặc biệt tại Trường tiểu học Đôn Phục, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An trước đây mỗi lớp học sử dụng 8 bóng đèn sợi đốt với công suất 40W để chiếu sáng. Sau khi tham gia chương trình chiếu sáng học đường, Trung tâm đã tiến hành thay thế bằng 10 bóng đèn được bố trí hợp lý. Với hệ thống chiếu sáng mới mỗi lớp đã tiết kiệm được 27% điện năng tiêu thụ, độ rọi tăng 5 lần, vừa đảm bảo chiếu sáng, vừa giúp tiết kiệm điện.

Bước đầu chương trình đã mang lại hiệu quả cao về tiết kiệm điện năng, nâng cao chất lượng phòng học, được nhiều trường học quan tâm thực hiện./

                                                                Thanh Liên

TIN LIÊN QUAN