Những bất cập trong công tác thu ngân sách

Sáng 13/5, Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Cục Thuế Nghệ An theo chương trình giám sát công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong 3 năm 2016 - 2018.
bna_mai_hoa_25419258_1352019.jpgĐồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Tham dự có các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh: Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ảnh: Mai Hoa

Theo báo cáo của Cục thuế Nghệ An, liên tục 3 năm 2016 – 2018, kết quả thu thuế trên địa bàn tỉnh đều có bước tăng trưởng 12- 24% và vượt dự toán Trung ương, HĐND tỉnh giao. Cụ thể, năm 2016 thu đạt 9.930 tỷ đồng; năm 2017 đạt 11.208 tỷ đồng; năm 2018 đạt 12.529 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu trừ tiền sử dụng đất, số thu nội địa trong 2017 – 2018 đều không hoàn thành dự toán, trong đó tập trung khối doanh nghiệp Trung ương, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị ngành Thuế làm rõ nhiều tồn tại trong công tác thu thuế trên địa bàn. Ảnh: Mai Hoa

Mặt khác, cơ cấu số thu không kể tiền sử dụng đất trong tổng thu nội địa giảm dần qua các năm: Năm 2016 là 77%; năm 2017 là 75% và năm 2018 là 72%. Nghĩa là thu tiền sử dụng đất qua các năm đang chiếm tỷ trọng lớn, tăng theo từng năm, từ 23% (năm 2016) đến 28% (năm 2018)

Đó còn là thất thu thuế ở một số lĩnh vực như: kinh doanh khách sạn,nhà nghỉ, ăn uống, xăng dầu, xe máy, bất động sản, thương mại... Công tác thu hồi nợ đọng thuế còn khó khăn... 

Cơ cấu nguồn thu tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn thu nội địa. Đồ họa: Hữu Quân

Tại cuộc làm việc, thông qua giám sát thực tiễn công tác thu thuế tại một số địa phương, nhiều thành viên đoàn giám sát đã đặt ra nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác thu thuế hiện nay.

Đó là công tác lập dự toán và giao dự toán thu chưa sát với thực tế; có khoản dự toán thấp hơn so với thực tế và ngược lại. Một số doanh nghiệp, hoạch toán chi phí và hoạch toán doanh thu chưa đúng quy định, chủ yếu tăng chi phí nhằm giảm lợi nhuận để giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

Công tác theo dõi và đưa vào quản lý hộ thuế khoán chưa chặt chẽ; một số hộ thuế khoán, thuế tiêu thụ đặc biệt chưa đưa vào quản lý. Một số hộ đăng ký ngành nghề kinh doanh, nhưng chưa đưa vào lập bộ thuế...

Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An Trịnh Thanh Hải cho rằng, thất thu thuế trọng tâm là ở khối doanh nghiệp. Ảnh: Mai Hoa

Mặt khác, thất thu còn biểu hiện thông qua việc tự kê khai, tự tính, tự nộp từ các doanh nghiệp, bởi ý thức tự giác của doanh nghiệp chưa cao và công tác thanh, kiểm tra của cơ quan thuế chưa thật sự hiệu quả.

Một số thành viên cũng đặt ra băn khoăn, mặc dù ngành Thuế đã triển khai nhiều biện pháp quản lý, thu nợ và cưỡng chế thuế, nhưng việc thu nợ thuế vẫn đang khó khăn; nợ thuế và nợ thuế khó thu năm sau cao hơn năm trước.

Nợ thuế trên địa bàn tỉnh, năm sau cao hơn năm trước. Đồ họa: Hữu Quân

Có giải pháp tốt chống thất thu

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn nhấn mạnh, thu ngân sách là một trong những chỉ tiêu quan trọng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra. Và hiện nay, so với mục tiêu tổng thu 25.000 – 30.000 tỷ đồng vào năm 2020 đang vô cùng khó khăn.

Bởi vậy, việc lựa chọn chuyên đề giám sát thu ngân sách của HĐND tỉnh với mong muốn tìm được các giải pháp tích cực hơn để thúc đẩy tăng nguồn thu trên địa bàn trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, mấu chốt của ngành Thuế là có giải pháp, biện pháp chống thất thu thuế, đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động này. Ảnh: Mai Hoa

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng cho rằng, bên cạnh khó khăn mà nguyên nhân nằm ở yếu tố khách quan, HĐND tỉnh sẽ có trách nhiệm cùng phối hợp với các cấp, các ngành để tháo gỡ; cơ quan Thuế cần nghiêm túc, trách nhiệm, nghiên cứu các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, tồn tại thuộc lỗi chủ quan của ngành.

Trong đó quan tâm đến các nghiệp vụ quản lý đối tượng nộp thuế, đảm bảo đúng, đủ và minh bạch, công bằng giữa các đối tượng; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, trốn thuế.

Đồng thời có giải pháp và quyết liệt hơn trong thu hồi nợ thuế; tăng cường công tác tuyên truyền tạo bước chuyển về nhận thức và tính tự nguyện của người nộp thuế...