Đến thời điểm này, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An đã thông qua phương án CPH và 3 đơn vị là Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An, Công ty Đầu tư KCN Nam Cấm và Công ty Nhà in báo Nghệ An đang ở giai đoạn đầu tiên lập phương án CPH.
Tiến độ CPH còn chậm
Qua trao đổi, tìm hiểu, cho thấy tiến độ CPH tại Nghệ An thực chất vẫn chậm. Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An là doanh nghiệp mà Nhà nước đang nắm giữ 100%. Theo đánh giá tại phương án CPH, đến 31/12/2017, giá trị thực tế doanh nghiệp này là 78,78 tỷ đồng; mấy năm lại đây, do sản xuất gặp khó khăn, thị phần bị thu hẹp nên yêu cầu CPH được đặt ra cấp thiết.
Đối với Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An, mặc dù mục tiêu ban đầu là CPH cùng thời điểm với Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, nhưng do có nhiều vướng mắc liên quan đến tranh chấp khiếu nại về đất đai giữa Công ty và người dân địa phương trong quá trình giao khoán trước đây; bản thân Công ty cũng chưa thực sự tích cực trong quá trình xây dựng hồ sơ nên tiến độ CPH bị chậm lại.
Đến thời điểm này, Sở mới thông qua phương án CPH của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An còn Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An phải bỏ lại.
Chuyển đổi sở hữu, sáp nhập, CPH... là xu thế tất yếu trong cơ chế thị trường, các loại hình doanh nghiệp khác ra đời, mô hình quản lý linh hoạt nên đặt các doanh nghiệp nhà nước vốn thiếu linh động trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt. Doanh nghiệp nhà nước nếu không đổi mới, càng để lâu càng làm ăn thua lỗ thì phần vốn Nhà nước sẽ càng giảm.
Gỡ “vướng” phát sinh
Ông Phan Ngọc Châu - Trưởng phòng Tài chính Doanh nghiệp, Sở Tài chính cho biết: Theo lộ trình, từ năm 2018 - 2020, trong số 4 doanh nghiệp CPH thì có 2 đơn vị thuộc lĩnh vực nông nghiệp là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An do Sở Nông nghiệp và PTNT trình phương án; 2 đơn vị còn lại là Công ty Đầu tư phát triển KCN Nam Cấm và Công ty Nhà in báo Nghệ An do Sở Tài chính tham mưu thì đang chỉ đạo để 2 đơn vị này làm.
Tuy nhiên, quá trình lập phương án mỗi doanh nghiệp CPH đều có những khó khăn riêng về đánh giá tài sản, phương án sắp xếp lại lao động cần kinh phí lớn nên phải làm thận trọng, phù hợp lợi ích các bên, xem xét để từng bước tháo gỡ.
Sắp tới BTV Tỉnh ủy sẽ cho ý kiến về phương án CPH Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển chè Nghệ An, đồng thời xin ý kiến về CPH tại Công ty TNHH MTV Cà phê - Cao su Nghệ An. Về cơ bản, phương án CPH sau khi được UBND tỉnh và BTV Tỉnh ủy thông qua sẽ chuyển qua bước tiếp theo là đấu giá tài sản và chọn nhà đầu tư chiến lược tham gia đầu tư. Tuy nhiên, với phương án Nhà nước vẫn nắm giữ ít 51% cổ phần chi phối thì cũng rất khó cho nhà đầu tư chiến lược và khó khăn của doanh nghiệp sau CPH có được tháo gỡ.