Khó khăn trong thẩm định
Hiện nay, phường Quang Trung (thành phố Vinh) đã cơ bản hoàn tất số liệu đợt hai về hỗ trợ lao động tự do theo Quyết định 22/2021/QĐ-UBND trình thành phố phê duyệt với 69 hồ sơ cho các mã nghề bán hàng rong, bốc vác ở các chợ, thợ nề, nhân viên phục vụ quán ăn nhà hàng, karaoke...
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND phường Đinh Xuân Trường vẫn cho rằng: “Thật không đơn giản khi thẩm định các hồ sơ này vì đợt trước chúng tôi đề xuất hơn 340 hồ sơ nhưng bị trả lại gần 100 hồ sơ. Nguyên nhân là do thành phố yêu cầu chúng tôi rà soát lại và thực tế các hồ sơ này có sự gian dối trong đề xuất trình xét của chính lao động”.
Theo ông Trường thì lao động tự do trên địa bàn trong diện được hỗ trợ phải nằm theo các nhóm ngành nghề đã được thành phố phê chuẩn nhưng nhiều lao động dù làm việc có giao ước trong các cửa hàng nhưng vẫn kê khai là nhân viên phục vụ nhà hàng; hay có một số lao động không có nghề chính là bán hàng rong vẫn kê khai. Và đến nay phường Quang Trung vẫn tiếp tục nhận được những hồ sơ khai báo không trung thực để được hưởng chính sách của Nhà nước, và cán bộ phường phải rất vất vả để tuyên truyền, hướng dẫn lại cho người dân.
Không vất vả như phường Quang Trung nhưng phường Hồng Sơn lại có cái khó là khối lượng hồ sơ quá đông khiến công tác rà soát rất mất thời gian.
Ông Từ Trọng Hải - Chủ tịch UBND phường Hồng Sơn cho biết: “Vì chúng tôi phải rà soát số lượng lao động tự do cả hai chợ gồm chợ đầu mối và chợ Vinh với khối lượng mỗi ngày từ 50 - 70 hồ sơ nên để thẩm định được lao động tự do này có đúng đối tượng không cũng đã là khó khăn. Chưa kể để phân biệt được lao động tự do là bán hàng rong với các tiểu thương có hồ sơ đăng ký kinh doanh cũng khá là mệt. Đến nay, phường đã phê duyệt chi trả cho 493 hồ sơ là lao động tự do trên địa bàn. Hiện phường vẫn nhận được 67 hồ sơ và đang rà soát công khai lần cuối để trình thành phố”.
Đối với Yên Thành, con số trình xét hiện nay chưa hẳn đã là số lượng cuối cùng bởi các xã hằng ngày vẫn có hồ sơ của các lao động tự do xin được tiếp cận chính sách. “Bởi đợt đầu chúng tôi chuyển xuống Sở thì chỉ có hơn 400 trường hợp nhưng đến thời điểm này thì con số đã gấp 4 lần, và theo khảo sát vẫn còn nhiều trường hợp đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp xã”, bà Phan Thị An cho biết thêm.
Số lượng được hưởng có thể vượt dự ước
Theo báo cáo tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH thì đến thời điểm này có 26.905 hồ sơ đã được trình lên Sở Tài chính với mức chi hỗ trợ dự kiến hơn 38.550.000.000 đồng. Cũng đến thời điểm này UBND tỉnh đã ra quyết định hỗ trợ cho 18.503 lao động tự do với số tiền hỗ trợ hơn 24.746.000.000 đồng.
“Đây là số lượng được xem là thực hiện đến đâu duyệt chi đến đó, và các địa phương cũng đã hết sức cố gắng trong nguồn ngân sách có thể cho đến thời điểm này. Vì thực tế ở nhiều địa phương con số trình phê duyệt lần này lớn hơn so với dự ước ban đầu", bà Đặng Phương Thủy - Phó phòng Việc làm - ATLĐ - Sở LĐ-TB & XH cho biết.
Ngay như huyện Diễn Châu cho đến thời điểm này toàn huyện có 3.972 người được phê duyệt theo gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Quyết định 22 của UBND tỉnh nhưng trên thực tế số dự ước ban đầu chỉ từ 7.000 - 8.000 lao động.
“Sở dĩ số lượng tăng hơn so với dự ước là bởi có một số ngành nghề như thợ nề, phục vụ trong các nhà hàng,... ban đầu chúng tôi chỉ tổng hợp trên địa bàn, nhưng sau đó có nhiều lao động cũng làm nghề này nhưng cư trú ở nơi khác trên địa bàn tỉnh cũng có hồ sơ xin được hỗ trợ. Sau khi rà soát chúng tôi thấy đã đáp ứng đủ yêu cầu nên đã trình phê duyệt”, bà Nguyễn Hồng Nhung - Trưởng phòng LĐ-TB & XH cho biết.
Bà Nhung chia sẻ, hiện theo khảo sát mới, có khoảng 17.000 lao động sẽ có cơ hội tiếp cận gói an sinh này vì thực tế trên địa bàn mới chỉ có 7 xã hoàn thiện hồ sơ và nộp về huyện.
Về số lượng tăng theo dự ước đối với các ngành nghề được quy định tại Quyết định 22, theo chuyên viên Sở LĐ-TB&XH, số lượng của mặt nghề tự làm hoặc làm việc tại hộ kinh doanh trong lĩnh vực: Ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (massage, xoa bóp y học, châm cứu), các cơ sở làm đẹp cắt tóc, gội đầu, làm nail có số lượng tăng hơn rất nhiều so với dự ước ban đầu.
Ông Từ Trọng Hải - Chủ tịch UBND phường Hồng Sơn cũng cho biết: “Ở trong hai khu chợ thuộc trên địa bàn số lượng cơ sở dịch vụ nhà hàng ăn uống hoặc các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ chiếm rất nhiều. Ban đầu chỉ tổng hợp một vài người trong mỗi cơ sở, nhưng trên thực tế một cơ sở có thể có nhiều lao động”.
Theo đánh giá của chuyên viên phòng Tài chính UBND thành phố Vinh thì con số lao động vẫn có thể tăng trong thời gian tới khi dịch bệnh vẫn còn kéo dài và số khu vực bị phong tỏa có thể còn tăng lên. Theo đó, số cơ sở và dịch vụ cũng sẽ bị đóng cửa và đối tượng là lao động tự do lại tiếp tục bị mất việc. “Mà theo các điều khoản quy định tại Quyết định 22 thì những lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch từ thời điểm 1/5 đến 31/12/2021 theo các quyết định về phòng chống dịch của Chính phủ sẽ được hỗ trợ theo gói an sinh xã hội của Chính phủ. Theo đó đối tượng mất việc có thể sẽ tăng nữa”.
Cũng theo dự ước của Sở LĐ-TB&XH thì theo khảo sát ban đầu có khoảng 33.000 đối tượng là lao động sẽ được tiếp cận với gói chính sách này. Tuy nhiên, với cách rà soát mới và việc tạo điều kiện cho các đối tượng được hưởng một cách linh hoạt hơn, thì con số lao động được hưởng chính sách từ nay cho đến cuối năm sẽ tăng cao. Dự kiến tỉnh sẽ chi đến 70 tỷ đồng để hỗ trợ cho nhóm đối tượng này./.