Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu nội dung bài tham luận trên:

bac_ho_ve_tham_que_kim_lien__nam_dan_19572176584_2182019.pngBác Hồ về thăm Kim Liên - Nam Đàn. Ảnh tư liệu

50 năm trước, Bác Hồ đã “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các bậc cách mạng tiền bối khác”. Trước khi vĩnh biệt chúng ta, Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân bản Di chúc lịch sử. Cùng với Di chúc, nặng lòng với quê hương, ngày 21/7/1969, Bác gửi cho Tỉnh ủy Nghệ An - “Quê hương nghĩa nặng tình sâu” của Bác bức thư ân tình. Đây là lần cuối Bác có thể viết thư cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.

Những điều Bác căn dặn

Có thể khái quát lại mấy điểm chính. Về Đảng, với tầm nhìn xuyên suốt thời gian của một bậc vĩ nhân, Bác căn dặn: Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Phải phát huy truyền thống đoàn kết quý báu vốn có của Đảng. Trong một tác phẩm quan trọng Bác viết: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Đây là một yêu cầu hết sức quyết liệt”.

Trong Bức thư cuối cùng gửi Tỉnh ủy, Bác “vui mừng nhận thấy cán bộ các cấp, các ngành trong tỉnh đã bước đầu sửa chữa tệ quan liêu, mệnh lệnh, cố gắng đi sát nhân dân để tổ chức vận động nhân dân thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Bác căn dặn rất cụ thể: Đảng phải tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân. Cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần thường xuyên tự phê bình trước nhân dân, khuyến khích nhân dân phê bình. Khiêm tốn lắng nghe ý kiến của nhân dân để phát huy những việc tốt, sửa chữa những việc làm sai, làm công tác tốt hơn. Nhân dân ta rất yêu mến Đảng ta. Phải khuyến khích nhân dân góp phần xây dựng Đảng như: góp ý kiến với chi bộ trong việc tuyển chọn người vào Đảng, tuyển chọn cán bộ lãnh đạo. Làm được như thế, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân sẽ càng thêm mật thiết...

Bác nhấn mạnh: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trong Di chúc, Người viết: Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Với Nghệ An, sau khi biểu dương những điển hình tiên tiến trong sản xuất, những tiềm năng phát triển của tỉnh nhà, Bác căn dặn: Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Bác rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc.

Trước khi nói về phong trào Cộng sản quốc tế, Bác nhận định và đặt ra yêu cầu cho toàn Đảng, toàn dân: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn... Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.

Với Nghệ An, sau khi biểu dương những chiến công của quân và dân tỉnh nhà, trong bức thư cuối cùng, Bác ân cần căn dặn những việc làm rất cụ thể: “Một điều phải luôn luôn nhớ là: Cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đang ở vào thời kỳ quyết liệt. Đế quốc Mỹ đã bị thua đau, nhưng còn rất ngoan cố. Quân và dân ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, giữ vững công tác phòng không sơ tán, củng cố hầm hào. Cố gắng góp nhiều công sức hơn nữa để cùng quân và dân cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”.

Tôi nghĩ, việc Bác nêu nhiệm vụ đánh thắng giặc Mỹ xâm lược ở phần cuối của Di chúc cũng như trong thư gửi Tỉnh ủy Nghệ An là Bác muốn nhấn mạnh đến nhiệm vụ trọng tâm trước mắt mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải luôn nhớ.

Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An có bài tham luận chỉ rõ những kết quả và hạn chế của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An trong thực hiện Di chúc và bức thư Bác gửi Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Nghệ An thực hiện Di chúc và thư của Bác gửi Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà như thế nào?

Có thể chia ra hai thời kỳ. Từ năm 1969 đến 1975 - thời kỳ chống Mỹ cứu nước, phát huy truyền thống kiên cường bất khuất của quê hương Xô Viết, mặc dù là vùng đất bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đã vượt mọi khó khăn, không quản hy sinh gian khổ, chiến đấu kiên cường, hăng hái lao động sản xuất góp phần quan trọng cùng cả nước chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Sự hy sinh anh dũng của 13 Thanh niên xung phong ở Truông Bồn là tượng đài bất hủ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Trong giai đoạn này, hầu hết đảng viên đã nêu tấm gương sáng về tinh thần: “Vì nước quên thân, vì dân quên mình”.

Giai đoạn từ năm 1975 đến nay, nhất là trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã tích cực phấn đấu thực hiện Di chúc của Bác và những lời căn dặn của Người trong thư gửi Tỉnh ủy.

Công tác xây dựng và phát triển Đảng được coi trọng. Trong cao trào chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đến nay, chưa phát hiện trường hợp cán bộ, đảng viên trong thời gian công tác ở Nghệ An bị Trung ương xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự về tội danh này.

Thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở”, các tổ chức Đảng đã quan tâm tăng cường đối thoại với nhân dân, giải quyết những bức xúc của nhân dân.

Công tác phát triển Đảng, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” được quan tâm đúng mức. Có thể khẳng định rằng, nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh trong các thời kỳ đã trưởng thành từ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Phát huy truyền thống hiếu học của người dân Xứ Nghệ, giáo dục tỉnh ta phát triển toàn diện cả về quy mô và chất lượng đào tạo. Đến tháng 9/2015, toàn tỉnh đã có 5.137.000 học sinh phổ thông các cấp với 17.654 lớp học, trong đó có trên 106.000 con em các dân tộc ít người. Tỉnh ta luôn thuộc tốp đầu trong 63 tỉnh và thành phố có tỷ lệ trúng tuyển vào các trường đại học cao. Nhiều học sinh giỏi được phần thưởng quốc gia và quốc tế.

Kinh tế - xã hội có bước phát triển khá. Tỉnh đã chú trọng miền Tây Nghệ An, quan tâm đến đời sống của đồng bào miền núi và vùng dân tộc. Nhiều mô hình sản xuất lớn áp dụng công nghệ cao đã xuất hiện; phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển rộng khắp đã làm thay đổi bộ mặt làng quê. Nam Đàn, huyện quê hương của Bác đã được công nhận là huyện Nông thôn mới và đang phấn đấu trở thành huyện Nông thôn mới kiểu mẫu.

Cơ cấu kinh tế tỉnh nhà dịch chuyển đúng hướng. Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tăng từ 27,76% năm 2013 lên 33,35% năm 2018. Thực hiện lời dặn của Bác trong thư gửi Tỉnh ủy, phong trào trồng rừng phát triển mạnh, công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng bước đầu được hình thành. Thành phố Vinh đang phấn đấu trở thành trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ.

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Nếu như thu nhập bình quân đầu người năm 2010 theo giá thực tế là 11.040.000 đồng, đến năm 2014 đã tăng lên 19.000.000 đồng. GRDP giai đoạn 2014-2018 tăng bình quân 8%, bình quân đầu người năm 2018 là 37.000.000 đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Năm 2010 là 24,8% đến năm 2017 chỉ còn 7,54%.

Tổng quát lại, trong 50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu quan trọng trong thực hiện Di chúc và những điều Người dặn lại trong thư gửi Tỉnh ủy.

Mặc dù vậy, Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập trong những lĩnh vực quan trọng mà sinh thời Bác rất quan tâm. Đó là:

Thứ nhất, Công tác xây dựng Đảng và chính quyền các cấp. Cán bộ đảng viên vẫn chưa làm được những gì Bác dạy: “Cái gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng phải làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Tình trạng sách nhiễu dân, tệ “tham nhũng vặt” vẫn còn ở không ít cán bộ công chức. Hệ số CPI của tỉnh tuy có tiến bộ trong những năm gầy đây từ xếp hạng thứ 46 năm 2013 đã lên thứ 21 năm 2017 nhưng còn phải phấn đấu quyết liệt mới đạt được tốp 10 - dấu mốc ghi nhận tỉnh có môi trường kinh doanh thuận lợi, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tuy những năm gần đây, nội bộ lãnh đạo đã đoàn kết thống nhất. Đó là điều đáng mừng, nhưng trong một số giai đoạn lãnh đạo chủ chốt của tỉnh còn mất đoàn kết, dẫn đến tình trạng phân tâm trong Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, cản trở sức phát triển.

Trên những nội dung này, mặc dù lãnh đạo tỉnh đã quan tâm thúc đẩy nhưng tỉnh ta vẫn chưa thực sự tương xứng với tinh thần “Cách mạng tiến công của quê hương Xô Viết”. Chúng ta hiểu rằng, học tập Bác không chỉ giới hạn trong “Di chúc” và “Thư Bác gửi cho Tỉnh ủy” mặc dầu đây là những nội dung cốt lõi mà là học tập toàn bộ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa XII.

Bác Hồ không chỉ là nhà tư tưởng lớn của thời đại mà còn là nhà hoạt động cách mạng vô cùng sôi động. Ở Bác những tư tưởng khai sáng luôn dẫn đến hành động cách mạng cải tạo hiện thực, nói đi đôi với làm, hành động với dũng khí: "Kiên quyết không ngừng thế tiến công”, làm với tinh thần “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”. Cán bộ tỉnh ta chưa làm tốt điều này.

Tỉnh ủy cần thảo luận nghiêm túc để trả lời câu hỏi: Vì sao các doanh nghiệp người Nghệ rất thành công ở các vùng đất khác, kể cả ở nước ngoài nhưng về quê hương vẫn gặp nhiều khó khăn?

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và tinh thần lao động cần cù, ham học hỏi của người Nghệ. Tâm lý tự bằng lòng với thực tại vẫn còn ở số đông cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chỉ số sản xuất công nghiệp của Nghệ An năm 2015 vẫn thấp nhất trong 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Thu nhập bình quân tính theo đầu người năm 2014 mới đứng thứ 4 trong 6 tỉnh ở khu vực này. GRDP đầu người năm 2018 mới đạt 70% mức bình quân cả nước.

Vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc nổi lên. Tệ nạn buôn bán và nghiện hút ma túy gia tăng. Nghệ An đang trở thành địa bàn trung chuyển ma túy từ vùng “Tam giác vàng” vào Việt Nam và sang các nước. Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Hội thảo sáng 31/8 là dịp để cán bộ, đảng viên Nghệ An có được những đánh giá khách quan về thực trạng các mặt của tỉnh, rút ra những bài học quan trọng để bước tiếp hành trình “theo chân Bác”. Ảnh: Thành Cường

Thưa các đồng chí!

Bác Hồ không chỉ có cuộc sống giản dị, tiết kiệm, Bác không thích dùng những từ đao to búa lớn mà thường nói với cán bộ và nhân dân những ngôn từ dễ hiểu, dễ nhớ.

“Bác thường để lại đĩa thịt gà mà ăn trọn mấy quả cà xứ Nghệ

Tránh nói chữ to và đi nhẹ cả trong vườn

Tim đau hết nỗi đau người ở chân trời góc bể

Đến bên Người ta thở dễ dàng hơn”.

(Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương, Việt Phương)

Bác còn là người rất yêu thiên nhiên, thích sống giữa thiên nhiên, trời đất. Nhà Bác vừa ở vừa làm việc chỉ là căn nhà sàn giản dị nằm giữa bốn bề cây lá. Cạnh nhà Bác ở, chim chóc nhảy nhót và cá tung tăng bơi lội. Trong khi đó, ở nhiều nơi, kể cả tỉnh ta bên cạnh những thay đổi tích cực của nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, còn đâu phong cảnh làng quê với lũy tre làng, hàng dâm bụt và tiếng ve ran mùa hạ, làm mất đi cảnh thanh bình, không khí mát mẻ xa xưa. Đến mức anh Phan Xuân Thưởng - nguyên cán bộ phòng Văn hóa huyện Diễn Châu phải thốt lên:

“Chắp tay lạy bác thợ cày/ Cho tôi theo mót những ngày xa xưa...”

Vẫn biết đây là tình trạng chung của nhiều miền quê cả nước, nhưng không thể không lưu ý, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Rõ ràng Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để thực hiện điều mong muốn của Bác: Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc... Tôi hiểu “khá nhất” không chỉ về kinh tế mà mọi mặt của đời sống xã hội.

Hội thảo 50 năm tỉnh ta thực hiện Di chúc và thư của Bác gửi Tỉnh ủy trên quê hương của Người là một việc làm rất thiết thực và có ý nghĩa quan trọng. Qua hội thảo này, cán bộ, đảng viên Nghệ An sẽ có được những đánh giá khách quan về thực trạng các mặt của tỉnh ta, rút ra những bài học quan trọng để bước tiếp hành trình “theo chân Bác”.

Là một người con của quê hương xứ Nghệ, lại có thời gian (tuy ngắn) công tác tại địa phương, tôi tự thấy những thành tựu đạt được là công sức của đồng chí, đồng bào, những hạn chế và yếu kém là trách nhiệm của mình.

Với suy nghĩ đó, tôi tin rằng các đồng chí cán bộ chủ chốt của tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết đang có, tiếp tục lãnh đạo tỉnh ta phấn đấu thực hiện tốt Di chúc và những điều Bác dặn trước lúc Người đi xa.

(*) Đầu đề do Báo Nghệ An đặt.