* Chiều 7/11, Trường Đại học Y khoa Vinh đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường và 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Theo đó, ngày 8/9/1960, Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định số 504/BYT/QĐ thành lập Trường Y sĩ Nghệ An tiền thân của Trường Đại học Y khoa Vinh ngày nay và được Bộ Y tế ủy quyền cho Ủy ban hành chính tỉnh Nghệ An quản lý, đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử nền giáo dục và ngành Y tế cách mạng Việt Nam.
Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, từ Trường Y sỹ Nghệ An với quy mô ban đầu hết sức khiêm tốn, đến nay đã trở thành Trường Đại học Y khoa Vinh khang trang, hiện đại với đội ngũ cán bộ, giảng viên đông đảo, có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, tận tụy, trong đó có nhiều Nhà giáo ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Phó Giáo sư, Tiến sỹ; nhiều giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi toàn quốc.
Trường Đại học Y khoa Vinh cũng đã đào tạo được gần 50.000 cán bộ y tế, trong đó có nhiều cán bộ, học sinh, sinh viên học tập và công tác tại trường đã trưởng thành có những đóng góp đáng trân trọng cho sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, thầy giáo, cô giáo, đội ngũ y bác sỹ, các cán bộ, công nhân viên, sinh viên, học viên của Trường Đại học Y khoa Vinh trong suốt 60 năm qua.
Để tiếp tục đưa Trường Đại học Y khoa Vinh phát triển bền vững, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị: Tập thể lãnh đạo, giảng viên, người lao động của nhà trường cần kế thừa, phát huy những thành tích đạt được. Nêu cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy và thực hiện cơ chế dân chủ, đoàn kết nội bộ để tạo sự đồng thuận và huy động tối đa trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, giảng viên, người lao động nhằm xây dựng và phát triển Trường Đại học Y khoa Vinh trở thành trường đào tạo đa ngành, đa cấp đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực y tế, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân; lấy chất lượng làm mục tiêu; từng bước phát triển thành trung tâm khoa học y học uy tín và có thương hiệu…
* Ngày 7/11, Đoàn công tác của TP. Hồ Chí Minh do đồng chí Ngô Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng đoàn đến thăm, động viên và hỗ trợ đồng bào tỉnh Nghệ Ankhắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra. Cùng đi có đồng chí Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.
Tiếp đón đoàn có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An; Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy...
Dịp này, Đoàn cán bộ lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đã trao hỗ trợ số tiền 2,2 tỷ đồng để góp phần giúp đỡ đồng bào tỉnh Nghệ An khắc phục thiệt hại do hoàn lưu bão số 9 gây ra những ngày qua.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chân thành cảm ơn sự quan tâm, sẻ chia khó khăn của cán bộ, nhân dân TP. Hồ Chí Minh đối với tỉnh Nghệ An. Đây là tình cảm hết sức quý báu, sự động viên kịp thời, có ý nghĩa đối với tỉnh.
Cùng ngày, đoàn tổ chức đi thăm hỏi, tặng quà cho một số gia đình liệt sỹ, người có công; gia đình bị thiệt hại trong mưa lũ.
* Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam – ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2020), sáng 7/11, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã về xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương vui Ngày hội Đại đoàn kếtvới bà con bản Cặp Chạng và bản Hạt.
Dự ngày hội với bà con, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đặc biệt đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân các bản. Đó là đã đoàn kết một lòng, tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đồng chí mong muốn cấp ủy, chính quyền và bà con 2 bản sẽ luôn giữ vững khối đại đoàn kết; giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc; giữ vững danh hiệu làng bản văn hóa, gia đình văn hóa. Cùng với đó, để xóa đói giảm nghèo bền vững, bà con cần phải đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, đầu tư thâm canh tăng năng suất; mở mang các ngành nghề, dịch vụ. Đồng thời tiếp tục phấn đấu xây dựng bản nông thôn mới.
* Đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao được bầu giữ chức Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2020 -2025.
Theo đó, sáng 7/11, Hội Hữu nghị Việt Nam – Thái Lan tỉnh Nghệ An tổ chức Đại hội khóa IV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Hội Hữu nghị Việt Nam – Thái Lan tỉnh Nghệ An hiện có gần 400 hội viên. Trong nhiệm kỳ qua, hội đã thường xuyên trao đổi thông tin, tăng cường các mối quan hệ giao lưu hợp tác với các đối tác Thái Lan.
Hội là cơ quan đầu mối thực hiện tốt các hoạt động giao lưu hữu nghị truyền thống trong tỉnh và tổ chức các đoàn đại biểu Nghệ An sang giao lưu hữu nghị trên đất Thái Lan.
Đại hội nhiệm kỳ 2020 – 2025, Hội xác định mục tiêu tiếp tục tăng cường mối quan hệ, giao lưu, hợp tác với Hội hữu nghị Thái – Việt của các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp Thái Lan và Việt kiều tại Thái Lan; các đối tác trong tỉnh, trong nước, từ đó góp phần nâng cao hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân.
* Chiều 7/11, đồng chí Lê Doãn Hợp - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đã đến thăm và có buổi trao đổi, trò chuyện với cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An.
Tại đây, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Lê Doãn Hợp đã tham quan mô hình Tòa soạn hội tụ và theo dõi quy trình xuất bản các ấn phẩm của Báo Nghệ An.
Trò chuyện với cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An, đồng chí Lê Doãn Hợp đã chia sẻ một số thông tin trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng; những vấn đề thực tiễn đặt ra cho công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, với cương vị Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam, đồng chí Lê Doãn Hợp đã gợi mở những vấn đề liên quan về việc ứng dụng và phát triển hệ thống truyền thông, thông tin trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, báo chí với vai trò là cơ quan “quyền lực thứ tư” yêu cầu tiên quyết là phải liên tục thay đổi tư duy, nhận thức; không ngừng đổi mới, sáng tạo, giữ vững tôn chỉ mục đích là tiếng nói của Đảng, diễn đàn của quần chúng Nhân dân…
* "Thanh Chương: Sau lũ lụt người dân mất ăn, mất ngủ vì sạt lở nghiêm trọng” là bài viết phản ánh thực trạng sau khi mưa lũ đi qua tại một số địa bàn dân cư ở huyện Thanh Chương
Theo phản ánh của các hộ dân ở thôn Minh Đức (trước đây là thôn Vận Tải), xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tình trạng sạt lở dọc bờ sông Rộ (nơi sinh sống hàng chục năm qua) khiến họ vô cùng hoang mang và lo lắng.
Theo ghi nhận của PV, dọc bờ sông Rộ đoạn qua thôn Minh Đức, xã Võ Liệt, nhiều diện tích đất bị lấn sâu khu vực nhà ở từ 2-5 mét, nhiều nhà dân ở khu vực này nằm chênh vênh bên mép sông khiến họ hàng ngày luôn sống trong cảnh bất an…
* Ở một diễn biến trái ngược, sau đợt mưa lũ vừa qua bà con ngư dân huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai đã vươn khơi đánh bắt hải sản, nhiều tàu thuyền trúng đậm “lộc biển” đem lại thu nhập cao.
Một ngư dân chia sẻ: “Những ngày qua, bà con đánh bắt gặp may, mỗi một đêm đi đánh lưới mực về cho thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/thuyền. Ra khơi đánh bắt sau bão thường được mùa hơn ngày thường”.
Riêng mực tươi, chưa qua cấp đông được thương lái thu mua nhiều nhất, giá cũng tăng cao so với trước, hiện mực nháy loại 1 giá 270.000 đồng/kg, loại nhỏ giá từ 170.000 – 250.000 đồng/kg (tùy loại).
Thời điểm này vào mùa ruốc biển nên chỉ sau khoảng sau 3 – 4 giờ khai thác ở dọc bờ biển, ngư dân đánh được từ 1 – 2 tạ, với giá 13.000 – 15.000 đồng/kg, ngư dân thu nhập từ 1,5 – 2 triệu đồng.