(Baonghean.vn) - Nguyên nhân là môn thi thứ 3 được công bố khá muộn và đây cũng là năm đầu tiên thí sinh thi vào các trường chuyên của tỉnh phải lưỡng lự vì trùng lịch thi.

Bị động vì công bố môn thi thứ 3 muộn

Việc môn ngoại ngữ được lựa chọn là môn thi thứ 3 tại Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2016 – 2017 là điều không quá bất ngờ, bởi đã được áp dụng liên tục trong khoảng 5 năm trở lại đây. Đây cũng có thể là "chiến lược" của Sở bởi hiện nay, Ngoại ngữ là một trong những môn học quan trọng.

Tuy nhiên, do môn thi chỉ được công bố trước kỳ thi chính thức chỉ một tháng khiến học sinh không tránh khỏi sự lo lắng và chắc chắn phải chạy “nước rút” trong 30 ngày tới. Đấy là chưa nói, thời gian này, các thí sinh lại còn phải tập trung ôn thi cho kỳ thi khảo sát cuối kỳ.

images1535551_img_4756.jpgGiờ ôn tập của học sinh lớp 9 trường THCS Vinh Tân (Thành phố Vinh).

Tại trường THCS Vinh Tân (TP Vinh), thông tin này cũng khiến Ban giám hiệu nhà trường băn khoăn, bởi lực học của học sinh trong trường so với mắt bằng chung của thành phố khá thấp. Riêng môn Ngoại ngữ, số học sinh có học lực khá, giỏi không nhiều.

Thầy giáo Ngô Lục Quân – Hiệu trưởng trường THCS Vinh Tân cho biết: "Dù Sở có những lý do riêng để quyết định công bố môn thi thứ 3 vào những ngày cuối cùng của năm học, nhưng trên thực tế, điều này khiến học sinh và giáo viên rơi vào bị động. Ngay ở trường chúng tôi, từ đầu năm, dù tiên lượng được môn thi Ngoại ngữ có thể là môn thi tự chọn thứ 3, nhưng trong suốt năm học nhà trường không dám lơ là các môn học khác bởi các em còn phải thi học kỳ cuối năm. Vì thế, thời gian để ôn thi chuyên sâu vào môn Ngoại ngữ không nhiều".

Nhìn lại 9 tháng của năm học 2015 - 2016, học sinh lớp 9 luôn ở trong tình trạng “nơm nớp”. Lý do chính bởi trong chương trình học có 13 môn nhưng có đến 9 môn cơ bản sẽ là môn được lựa chọn bất kỳ để thi học kỳ. Tuy nhiên, nhằm mục đích để học sinh học đều các môn nên phải đến cuối tháng 4 các phòng giáo dục  mới thông báo môn thi khảo sát. Vì vậy, thì sinh vừa phải lo ôn tập các môn học kỳ, vừa phải lo ôn tập môn thi vào lớp 10. 

Điều tương tự cũng sẽ tác động khá nhiều đến thí sinh ở các vùng khác, đặc biệt là thí sinh ở các xã thuộc khu vực khó khăn nơi các em chưa có nhiều điều kiện để học và đầu tư môn Ngoại ngữ. 

Giờ học ngoại ngữ tại trường THCS Hưng Dũng (TP Vinh).

Thí sinh “chạy đua” theo lịch thi

Một điều chưa có trong tiền lệ tại kỳ thi vào lớp 10 năm học 2016 – 2017 năm nay ở Nghệ An là việc “trùng” lịch thi giữa Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và Trường THPT chuyên Đại học Vinh. Theo lý giải của ông Nguyễn Văn Thuận -  Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Vinh: Việc nhà trường lựa chọn ngày thi trùng với lịch thi trường THPT chuyên Phan Bội Châu nhằm tránh tình trạng “bị động” như các mùa tuyển sinh trước kia. Bên cạnh đó, giúp thí sinh sớm xác định được trường cần đăng ký, giúp các em giảm được áp lực thi cử.

Tuy nhiên, thực tế này cũng đã đặt cho thí sinh trước sự khó khăn khi lựa chọn. Nói về điều này, cô giáo Tạ Thị Thanh Liên - Chủ nhiệm lớp 9A, trường THCS Đặng Thai Mai, Thanh phố Vinh nói rằng: Thường thì các em lựa chọn trường đăng ký dựa trên học lực, điều kiện địa lý, gia đình. Nhưng tâm lý chung các em vẫn muốn được thi hai trường để có nhiều cơ hội vào trường chuyên hơn.

Thí sinh tham gia Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2015 - 2016

Với lịch thi vào lớp 10 các trường chuyên ở Nghệ An như hiện nay, một khả năng rất lớn là nhiều em sẽ đăng ký vào trường nào có nhiều cơ hội trúng tuyển và nhiều chỉ tiêu hơn, đồng nghĩa với việc nhiều em có năng lực thực sự lại lỡ mất cơ hội vào trường mà các em mong muốn. Kịch bản này cũng tương tự như kỳ thi vào các trường Đại học và nếu không xác định được chính xác khả năng của mình, cơ hội vào trường tốp trên của các em sẽ khó thực hiện. 

Được biết, đây là lần đầu tiên trên cả nước xảy ra việc trùng trình lịch thi giữa các trường chuyên trong cùng một tỉnh. Với sự việc này, mùa thi năm 2016 có thể sẽ có nhiều bất ngờ!

Một điều băn khoăn đó là từ năm học 2010 – 2011, ngoại ngữ đã được xác định là một môn học quan trọng và được Nghệ An chú trọng đầu tư, đổi mới nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đều chưa đáp ứng yêu cầu.

Đơn cử, tỉnh khuyến khích các trường thực hiện thí điểm dạy chương trình Tiếng Anh 10 năm nhưng hiện ở bậc THCS chỉ có 83/408 trường ở 12 huyện, thành, thị thực hiện. Ngoài ra, chỉ mới có 122/1.399 giáo viên bậc THCS đạt chuẩn B2 theo như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chất lượng ở bậc THCS thấp, kéo theo chất lượng ở bậc THPT cũng không đảm bảo. Ngay như tại kỳ thi THPT quốc gia năm học 2014 – 2015 vừa rồi, toàn tỉnh có hơn 30.000 thí sinh dự thi. Thế nhưng, tỷ lệ thí sinh có điểm ngoại ngữ trung bình từ  5 điểm trở lên chỉ chiếm hơn 11%. Bên cạnh đó, trong số hơn 1.000 thí sinh bị trượt tốt nghiệp, chiếm hơn một nửa bị trượt là do điểm chết môn Ngoại ngữ.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN