(Baonghean.vn) - Hiện nay, ở xóm 4, xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu (Nghệ An) có khoảng 60 hộ dân trồng cây cà gai leo với diện tích trên 1 héc ta, thu lãi hơn 400 triệu đồng. Huyện đang làm các hồ sơ, thủ tục để xin UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề trồng cây dược liệu.
Cà gai leo được đưa vào trồng đại trà ở xóm 4, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu vào đầu năm 2015. Ban đầu chỉ có một vài hộ dân trồng loại cây dược liệu này, nhưng chỉ sau hơn 1 năm đã có 60 hộ dân trong xóm trồng, với tổng diện tích trên 1 héc ta. Cà gai leo tên địa phương còn gọi là cây bù lù, là cây thân dây, lá, cành có gai nhọn, quả bé như đầu ngón tay út, khi chín có màu đỏ tươi đẹp mắt.
Đây là loại cây mọc hoang dại, có tác dụng trong chữa các loại bệnh về gan, giải độc cơ thể, chỉ dùng uống nước, là dược liệu sản xuất các loại thuốc, không dùng đường ăn. Xuất phát từ việc trong xóm có một số hộ dân làm nghề thu mua cây dược liệu trong đó có cây cà gai leo, các hộ dân ở xóm đã đi khắp các cánh rừng, vùng đồi thấp cắt cà gai leo về bán.
Sau một thời gian, cà gai leo trên rừng giảm dần do bị tận thu, người dân xóm 4, xã Quỳnh Văn và một số hộ dân ở phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai đã nghĩ ra cách đào cây về trồng.
Trồng gốc già thì sau 6,7 tháng cho thu hoạch lứa đầu tiên, nếu trồng bằng cây con, chỉ sau 4 tháng đã cho thu hoạch. Ưu điểm của loại cây này là dễ sống, phù hợp với nhiều chất đất, không bị sâu bệnh, trồng một lần có thể thu hoạch được 3,4 năm.
Hộ ông Đậu Đức Trương cho biết: “ Năm 2015, tôi thuê người đi đào gốc hết 5 triệu đồng, về trồng được diện tích 1 sào cà gai leo, tổng chi phí hết 6 triệu đồng, sau 6 tháng thu hoạch được 20 triệu đồng. Cuối năm 2015, tôi đã dùng quả của lứa cây đầu tiên để ươm giống, nhân rộng diện tích ra hơn 3 sào. Thu hoạch từ tháng 2 âm lịch đến nay được gần 8,5 tạ cà gai khô, giá nhập 60.000 đồng/kg, cộng với tiền cây giống tôi bán bà con xung quanh cũng trên 60 triệu đồng”.
Để tiết kiệm công làm cỏ, nhiều hộ dân đã trồng theo hình thức phủ ni lông. Cây hầu như không phải chăm sóc gì, cây càng để già, chất lượng dùng sản xuất dược liệu càng cao, sản lượng càng đạt.
Thời điểm năm 2015, giá trung bình cà gai leo 80.000 đồng/kg, hiện nay giá giảm xuống còn 50- 60.000 đồng/kg, nhưng sản lượng vụ sau tăng cao hơn vụ trước, nên thu nhập từ loại cây này rất cao. Theo tính toán của người trồng, mỗi héc ta có thể cho sản lượng khô từ 10 – 12 tấn/năm, thu lãi ròng hơn 400 triệu đồng/ha.
Bà Hồ Thị Toan, người dân xóm 4, xã Quỳnh Văn cho biết: “Trồng loại cà gai leo này dễ lắm, không bị hao hụt gì cả, vì chẳng có con gì ăn được. Thời vụ thu hoạch dài, sau vụ đầu tiên thì cứ cách nhau 4 tháng thu hoạch 1 đợt, mỗi năm 2 đến 3 đợt. Khi thu hoạch về cắt ngắn, phơi khoảng 3 nắng khi thân cây chuyển màu vàng thì đóng vào bì. Có thể bảo quản được rất dài, không phụ thuộc vào mùa vụ sản xuất nên không sợ bị ép giá. Trồng cái này cao gấp 4,5 lần rau màu do chi phí thấp, mà giá lại cao”.
Theo các nhà khoa học, cà gai leo có rất nhiều công dụng: đặc trị viêm gan B chữa viêm gan, xơ gan, tái tạo tế bào gan, giải độc rượu. Tăng cường chức năng giải độc của gan, bảo vệ tế bào gan và hạn chế tổn thương tế bào gan do rượu, hóa chất độc hại gây nên.
Ông Lê Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn cho biết: “ Địa phương đang thực hiện các thủ tục để xin UBND tỉnh Nghệ An công nhận làng nghề trồng các loại cây dược liệu. Nếu được công nhận, thì đây sẽ là động lực để bà con nông dân tiếp tục mở rộng diện tích các loại cây trồng này”.
Nguyễn Vân