(Baonghean.vn) - Thẩm tra dự thảo nghị quyết quy định mức giá 1.916 dịch vụ khám, chữa bệnh là một trong các nội dung thảo luận tại cuộc họp thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội sáng 4/12 về một số nghị quyết trình phiên họp HĐND tỉnh sắp tới.

1512358846193.jpgĐồng chí Hồ Phúc Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp. Tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Minh Thông - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Ảnh: Hoài Thu

Áp dụng khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo Thông tư 02

Chuẩn bị cho dự thảo nghị quyết quy định giá dịch vụ khám,chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Sở Y tế đã tiến hành lấy ý kiến của các địa phương và đã có 25 văn bản góp ý.

Tại cuộc họp, đại diện Sở Y tế cho biết: Mức giá tối đa theo khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo Thông tư 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế bằng mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh tại Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.

Hiện nay giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT quy định tại Thông tư 37 đã được áp dụng trên cả nước. Vì vậy để bình đẳng giá, không phân biệt về giá khám, chữa bệnh của người bệnh không có BHYT và người bệnh có BHYT trong cùng 1 cơ sở y tế. Do đó việc áp dụng bằng mức tối đa khung giá là phù hợp với nguyên tắc định giá của Nhà nước.

Tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản đồng ý với các mức giá mà dự thảo đưa ra; theo đó có 1.916 dịch vụ khám, chữa bệnh được quy định mức giá cụ thể áp dụng tại các cơ sở y tế của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh. Ảnh tư liệu

Ông Bùi Đình Long - Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, thành viên Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh cho rằng: Ban soạn thảo chọn mức giá quy định tại Thông tư 02 là thuận lợi cho các cơ sở y tế trong khám, chữa bệnh và công tác theo dõi, tạo sự cân bằng trong áp dụng các giá dịch vụ y tế; đưa về 1 mức giá và mức giá này cao hơn so với mức giá hiện tại nhằm khuyến khích 15% dân số chưa tham gia BHYT thực hiện mua BHYT.

Một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung cụ thể hơn, như: quy định các điều kiện kèm theo trong chi trả một số dịch vụ cụ thể; đối với đề xuất tăng mức giá một số dịch vụ cần chỉ rõ tăng bao nhiêu lần, bao nhiêu phần trăm, có bao nhiêu dịch vụ mới tăng giá; cần có sự chuẩn bị thông tin liên quan cụ thể hơn đề trả lời đại biểu khi có yêu cầu tại phiên họp HĐND tỉnh sắp tới...

Đồng ý với dự thảo của nghị quyết này, tuy nhiên đồng chí Hồ Phúc Hợp nhấn mạnh: “Việc Bộ Y tế ban hành mức giá tối đa mà các địa phương cũng áp dụng tối đa thì không cần các địa phương phải họp bàn làm gì. Vì thế việc áp dụng quy định của Nhà nước cần phải cân nhắc để điều chỉnh mức giá các dịch vụ cụ thể dựa trên sự phù hợp với điều kiện của từng địa phương và phải phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số nhân dân”.

Băn khoăn về kinh phí thực hiện Chương trình sữa học đường

Cũng trong buổi sáng, cuộc họp thảo luận về cơ chế thực hiện chương trình sữa học đường cho trẻ em mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020. Với mục tiêu đặt ra của Nghệ An đến năm 2025 giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 20%; đưa tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 15% thì việc thực hiện chương trình sữa học đường là rất cần thiết.

Đồng chí Hồ Phúc Hợp phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Hoài Thu

Qua quá trình khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tại một số trường học trên địa bàn tỉnh cho thấy qua 2 năm thực hiện thí điểm chương trình này trên địa bàn tỉnh cho thấy đã thu được kết quả tốt đẹp, được đại đa số người dân ủng hộ. Vì thế để tiếp tục triển khai chương trình sữa học đường trong giai đoạn 2018 - 2020 việc ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh là phù hợp và cần thiết.

Thực hiện Chương trình sữa học đường, học sinh tiểu học, mầm non được uống sữa 5 lần/tuần, mỗi lần 1 hộp sữa 180ml/em trong 9 tháng đến trường. Hiện toàn tỉnh có 69% học sinh mầm non và tiểu học tham gia chương trình này, trong đó tham gia 100% là học sinh thuộc các hộ nghèo - Diện A (được miễn phí uống sữa 100%); tỷ lệ tham gia ít nhất là học sinh thuộc hộ khá - Diện C (được hỗ trợ 30%), có địa phương như TP. Vinh chỉ đạt 20%; xã Thạch Giám, huyện Tương Dương hơn 7%...

Theo tính toán, mỗi năm kinh phí thực hiện Chương trình sữa học đường hơn 700 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ và phụ huynh đóng góp hơn 400 tỷ đồng; còn lại là nguồn vận động xã hội hóa và hỗ trợ từ nhà cung ứng sữa.

Vì vậy, một số đại biểu nêu băn khoăn xung quanh việc huy động nguồn kinh phí để đảm bảo chương trình được thực hiện hiệu quả, đảm bảo các quy định như: ngân sách tỉnh hỗ trợ 10% số kinh phí còn lại (ngoài phần đóng góp của phụ huynh học sinh và nguồn hỗ trợ từ doanh nghiệp và các nhà tài trợ khác).

Đồng chí Hồ Phúc Hợp đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu xây dựng đề án triển khai chương trình sữa học đường cụ thể, phù hợp góp phần giúp cho việc trình HĐND tỉnh thông qua nghị quyết.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát việc thực hiện Chương trình sữa học đường tại huyện Tương Dương. Ảnh: Hoài Thu

Cũng trong buổi sáng, cuộc họp cũng cho ý kiến về các nội dung các báo cáo thuộc lĩnh vực văn hóa- xã hội, gồm: giải quyết các kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVII; UBND tỉnh về triển khai các nghị quyết HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay; giải quyết các kết luận sau phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3, 4 của HĐND tỉnh và việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ban Văn hóa- Xã hội từ đầu nhiệm kỳ.

Hoài Thu

TIN LIÊN QUAN