Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, vải thiều là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh; hằng năm, giá trị sản xuất vải thiều ước đạt khoảng 4 - 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 25-28% giá trị ngành trồng trọt. Tuy tình hình thời tiết không thuận lợi nhưng vụ vải thiều năm 2020 vẫn đạt sản lượng khoảng 160 nghìn tấn, cao hơn 10 nghìn tấn so với năm trước. Thời gian thu hoạch rộ dự kiến từ 10/6-10/7.
Năm nay, do tác động của dịch Covid-19, các quốc gia đều đóng cửa biên giới nên việc giao dịch, kết nối, khảo sát, giao thương, thu mua vải thiều của các doanh nghiệp, thương nhân rất hạn chế, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu.
Địa phương xác định các thị trường xuất khẩu chính của vải thiều Bắc Giang là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, châu Âu, Trung Quốc... Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Bắc Giang phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật lựa chọn và đề nghị phía đối tác chấp thuận các mã số vùng trồng, chỉ đạo giám sát vùng trồng và hỗ trợ cho nông dân tham gia liên kết sản xuất đảm bảo theo đúng kế hoạch; phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật thực hiện lựa chọn, hướng dẫn lắp đặt hoàn thiện dây chuyền sơ chế - phân loại, xử lý - xông hơi khử trùng - đóng gói, bảo quản khép kín đáp ứng theo yêu cầu của thị trường, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu...
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Minh Tú -Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho rằng, việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho nông sản trong bối cảnh hiện nay là vấn đề chung của các địa phương. Ngoài sự nỗ lực của người nông dân, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ quy trình sản xuất, bảo quản, đóng gói đảm bảo các tiêu chuẩn của thị trường; các cấp, ngành tạo cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thương nhân thì việc liên kết, kết nối giữa các bên trong việc tiêu thụ sản phẩm là hết sức quan trọng.
Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có rất nhiều nông sản đặc sản, nhất là các sản phẩm vừa được UBND tỉnh “gắn sao” OCOP cũng rất cần sự vào cuộc, chung tay, đồng hành trong việc xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là đưa nông sản địa phương vào cửa hàng, siêu thị, hệ thống bán lẻ từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, nâng thu nhập cho người dân.
Do đó, tham gia hội nghị, ngoài việc nắm bắt tình hình thực tế của tỉnh bạn, tham gia tiêu thụ vải thiều thì đây còn là cơ hội để các ngành, các doanh nghiệp của Nghệ An học hỏi, rút kinh nghiệm, áp dụng vào việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu ra cho nông sản địa phương.