Chiều 17/4, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Covid-19) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước. Hội nghị nghe và cho ý kiến về Dự thảo Chỉ thị về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì.
Theo dự thảo, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các bộ, ngành tiếp tục thống nhất nhận thức và hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”. Tiếp tục thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện.
Tiếp tục kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong.
Ngăn chặn kịp thời nguồn lây nhiễm từ bên ngoài; kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh đối với tất cả các cửa khẩu: hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển. Tiếp tục khuyến cáo công dân Việt Nam ở nước ngoài tạm thời chưa về nước…
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch tại cơ quan, công sở, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; cơ sở bảo trợ xã hội... theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Dự thảo Chỉ thị cũng chỉ đạo việc tăng cường năng lực và tập trung xét nghiệm tại các ổ dịch, nhóm người hoặc địa bàn có nguy cơ cao; chú trọng công tác bảo đảm các hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ vào sản xuất sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế, vắc xin… trong phòng chống dịch; không tổ chức các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng đông người; tạm dừng các hoạt động, dịch vụ như: khu vui chơi, giải trí, du lịch, karaoke, massage, quán bar, vũ trường.
Các biện pháp áp dụng cho từng nhóm nguy cơ
Đối với nhóm nguy cơ cao: Yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thực sự cần thiết như: mua thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ; trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao. Không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi tiếp xúc.
Cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, hạn chế giao thông liên tỉnh, sắp xếp giao thông nội tỉnh cho phù hợp.
Đóng cửa các cơ sở cung ứng các mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu.
Đối với nhóm có nguy cơ:Hạn chế người dân ra ngoài, không tập trung quá 10 người, khi ra ngoài thực hiện các biện pháp đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc. Hạn chế hoạt động vận chuyển hành khách công cộng; vận chuyển liên tỉnh. Khuyến cáo hạn chế vận chuyển hành khách nội tỉnh.
Hạn chế mở cửa hàng phục vụ các mặt hàng không thiết yếu; hạn chế một số loại hình kinh doanh đường phố, lao động tự do trên đường phố; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng không thiết yếu và các loại hình kinh doanh đường phố nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
Đối với nhóm nguy cơ thấp:Khuyến khích người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết, không tập trung quá 20 người trở lên tại nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc; khuyến khích hạn chế hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, vận chuyển hành khách liên tỉnh.
Khuyến khích không mở cửa các cửa hàng phục vụ các mặt hàng không thiết yếu; các hình thức kinh doanh, lao động tự do được làm việc nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng lây nhiễm.
Tăng thẩm quyền cho các địa phương đối với hoạt động của nhóm lao động đường phố
Tham gia góp ý vào dự thảo Chỉ thị, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đề nghị cơ quan soạn thảo Chỉ thị cân nhắc bổ sung thêm nội dung: cho phép các cơ sở lưu trú được phép hoạt động trên cơ sở đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch. Bởi theo phân tích của người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An, thời gian gần đây cho thấy các cơ sở lưu trú vẫn có khách dù rất ít.
Đối với các biện pháp dùng cho từng nhóm nguy cơ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị cần phải làm rõ hơn, chi tiết hơn về tính chất của từng nhóm. Chẳng hạn như cần làm rõ về nội dung “loại hình kinh doanh đường phố” để qua đó chính quyền các địa phương có cơ sở để quyết định theo thẩm quyền.
Phân tích thêm về các biện pháp đối với nhóm địa phương có nguy cơ, đồng chí Nguyễn Đức Trung cho biết, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, các đối tượng lao động thu nhập thấp mưu sinh trên đường phố gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy đồng chí đề nghị thẩm quyền quyết định hoạt động của các lao động này giao cho chính quyền các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, rất đồng tình với quan điểm của Chính phủ về phân loại các nhóm nguy cơ trong từng địa phương, huyện, xã song Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Ban Chỉ đạo có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí phân loại từng nhóm đối tượng để thực hiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, với diễn biến về dịch bệnh như hiện nay, chủ trương là phải phân nhóm nguy cơ đến cấp huyện, cấp xã thậm chí cấp thôn.
Phó Thủ tướng khẳng định dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài dù có những nơi, những lúc lắng xuống. Dịch bệnh chỉ có thể hạn chế, ngăn chặn khi thế giới có vắc xin, đồng chí Vũ Đức Đam nhận định. Trong khi đó, hiện nay Việt Nam phải thực hiện nhiệm vụ kép: chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Mục tiêu kép nhưng phải dành ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch. Ba mục tiêu trong thời điểm này được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra là: Kiểm soát dịch bệnh, chung sống an toàn với dịch và điều chỉnh tích cực trong xã hội.
Đối với kiểm soát dịch bệnh, phải tập trung ngăn ngừa các nguồn lây nhiễm có thể xảy ra; phải có giải pháp cụ thể hơn, chi tiết hơn cho từng địa phương, địa bàn trong công tác phát hiện, xử lý các trường hợp nhiễm bệnh và nghi ngờ nhiễm bệnh.
Sau khi kiểm soát được dịch bệnh sẽ phải chung sống an toàn với nó, muốn chung sống thì phải hiểu về dịch bệnh và cơ chế lây lan của virus để phòng chống hiệu quả. Chính vì vậy phải nêu cao công tác truyền thông, tuyên truyền. Thực hiện công tác đảm bảo an toàn phòng dịch trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chung sống an toàn đến từng ngõ ngách, từng cấp độ.
Đối với nội dung điều chỉnh tích cực, thực tế công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua theo Phó Thủ tướng đã mang lại những giá trị cao đẹp của tấm lòng người Việt. Đó là tinh thần cống hiến, hy sinh, tương thân, tương ái của mọi tầng lớp nhân dân. Điều chỉnh tích cực còn là việc điều chỉnh quy trình, phương pháp xử lý công việc. Đây đồng thời là cơ hội để thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0; tăng cường chuyển đổi số, dịch vụ công; sẽ là điều kiện để tổ chức các hoạt động trực tuyến như: khám, điều trị bệnh, thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong đời sống, có những biểu hiện, lề thói xã hội cũng qua đợt dịch này để thay đổi cho phù hợp với xu thế. Chẳng hạn như đó là sự xô bồ trong hoạt động giao thông, tham gia lễ hội, tổ chức hiếu hỷ quy mô linh đình, lãng phí của một bộ phận cán bộ, người dân. Chính lúc này cần lắng để nhìn lại. “Lúc đang ăn uống thì cứ thích bắt tay nhau hay dùng chung bát đũa rất mất vệ sinh. Cần phải điều chỉnh tích cực” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ví dụ và tin rằng nếu khắc phục được các hạn chế nêu trên nhất định Việt Nam sẽ chống dịch thành công và sẽ phát triển tốt hơn kinh tế - xã hội.