bna5849858_1112020.jpgKhắc phục sạt lở vùi lấp đường giao thông ở bản Vều 3, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: CTV

Ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài, trên địa bàn Nghệ An xảy ra hàng loạt điểm giao thông bị sạt lở nghiêm trọng. Trước tình hình trên, ngay sau mưa lũ, các địa phương đã tích cực khắc phục sự cố hư hỏng giao thông.

Tại bản Vều 3 của xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, ngay từ sáng ngày 31/10, UBND huyện đã chỉ đạo xã Phúc Sơn, huy động máy xúc cùng nhân lực tại chỗ san gạt, xúc được trên 200 m3 đất đá sạt lở, đảm bảo thông đường.

Lực lượng bộ đội, công an cùng chung tay dọn dẹp bùn đất tràn lấp đường giao thông ở xã Hội Sơn (Anh Sơn). Ảnh: CTV

Ông Hoàng Quyền - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn cho biết: Địa bàn huyện Anh Sơn bị sạt lở hư hỏng đường giao thông hàng chục điểm, trong đó có 4 điểm sạt lở núi lớn ở xã Cao Sơn, Phúc Sơn, Cẩm Sơn, Khai Sơn.

Huyện đã huy động tổng lực các lực lượng gồm bộ đội, công an, các tổ chức đoàn thể, máy móc phương tiện cùng bà con Nhân dân, từ ngày 31/10 đã tiến hành san gạt, giải phóng được hàng ngàn m3 đất đá sạt lở. Hiện nay các tuyến đường trên đã thông đường. Huyện đang chỉ đạo các xã tập trung khắc phục hư hỏng tại các tuyến giao thông nông thôn.

Khắc phục đoạn đường bị lũ cuốn đứt tại huyện Anh Sơn. Ảnh: CTV

Đối với huyện Kỳ Sơn có trên 20 điểm bị sạt lở núi, gây ách tắc giao thông, ngay từ ngày 31/10 huyện đã tập trung huy động lực lượng tại chỗ để giải tỏa đá rơi trên tuyến đường vào xã Bảo Nam, Tây Sơn. Một số điểm máy móc chưa vào được phải dùng sức người để san gạt, bù đắp các đoạn đứt đường để sớm thông đường vào các xã, bản.

Lãnh đạo huyện Anh Sơn đi kiểm tra khắc phục hư hỏng cầu treo Làng Bộng, xã Thành Sơn (Anh Sơn) sáng nay (1/11). Ảnh: CTV
Một đoạn đường trên địa bàn huyện Anh Sơn bị nước lũ cắt đứt. Ảnh: CTV

Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 đã làm ngập úng cục bộ các hộ dân trên địa bàn Nghi Lộc, thiệt hại nặng nề đến cây trồng, vật nuôi cũng như các công trình giao thông, thủy lợi bị ngập nước, chia cắt, sạt lở nghiêm trọng. Trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa đo được từ sáng ngày 29/10/2020 đến13h ngày 30/10/2020 gần 400 mm. Các khu dân cư bị ngập lụt phải di dời dân với gần 1.500 hộ dân tập trung tại các xã Nghi Mỹ (120 hộ), Nghi Thuận (300 hộ); Nghi Công Bắc (450 hộ), Nghi Công Nam (150 hộ); Nghi Phương (250 hộ) ...

Một số tuyến đường giao thông bị ngập lụt phải phân luồng, cấm người qua lại khi tham gia giao thông: tuyến đường 48E đoạn Nghi Hoa đi Nghi Phương, tuyến đường UBND xã Nghi Mỹ đi Công Bắc, tuyến đường UBND xã Nghi Lâm đi xóm 20 Nghi Lâm; tuyến đường xóm 20 Nghi Lâm đi UBND xã Nghi Kiều, tuyến đường N5 đi UBND xã Nghi Kiều, tuyến đường Nghi Diên đi Nghi Vạn, Tuyến đường Nghi Đồng đi Nghi Hưng...

Lũ lụt cũng làm nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông bị hư hỏng như đường quốc phòng ven biển Nghi Yên đi Nghi Tiến, dài 4,0km; sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng một số tuyến đường liên xã, liên thôn, liên xóm dài 20 km tại các xã Nghi Văn, Nghi Lâm, Nghi Kiều, Nghi Hưng, Nghi Đồng, Nghi Yên...; hư hỏng gần 15km tuyến kênh mương tại xã Nghi Văn, Nghi Kiều, Nghi Hưng, Nghi Đồng, Nghi Thuận...; Kè, đê biển xóm Rồng xã Nghi Thiết dài 0,4 km bị sạt lở nghiêm trọng; thân đập xã Nghi Công Bắc bị sụt lún...

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải, ngay sáng ngày 31/10, ngành Giao thông đã phối hợp với các địa phương huy động máy móc để san gạt thông xe bước 1 được 9 vị trí sạt lở giao thông nặng, gồm QL 16 Kỳ Sơn đi Quế Phong có 4 điểm, QL 15 A có 2 vị trí, QL 46B 1 điểm tại Rú Nguộc, huyện Thanh Chương… Thời điểm này, các đơn vị quản lý giao thông đang tích cực khắc phục sạt lở ở các tuyến tỉnh lộ, gồm Tỉnh lộ 543 B bị sạt lở 2 vị trí, Tỉnh lộ 534 có 4 điểm sạt lở, Tỉnh lộ 534 C có 2 điểm sạt lở…

Thu dọn cây đổ trên tuyến QL 16 đoạn qua xã Mai Sơn (Tương Dương). Ảnh: CTV
Khắc phục đất đá tràn lấp trên tuyến đường ở huyện Quỳ Hợp. Ảnh: CTV

Mưa lớn nhiều ngày, khu vực đồi núi ở các huyện rẻo cao như Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu… bị ngấm nước rất dễ sạt lở. Do vậy, các phương tiện lưu thông phải hết sức cảnh giác. Đối với các khu vực nguy hiểm sạt lở, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã đặt biển cảnh báo, cắt cử người 24/24 giờ canh trực, không cho các phương tiện lưu thông để đảm bảo an toàn tính mạng.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mưa lũ kéo dài từ ngày 15 - 20/10/2020 trên địa bàn Nghệ An đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Về sản xuất nông nghiệp, nước ngập sâu đã gây thiệt hại 220 ha lúa, 1.017 ha ngô và rau màu các loại, 15 ha cây trồng hàng năm, 21 ha cây trồng lâu năm và 5,3 ha cây ăn quả. Đối với chăn nuôi, mưa lũ đã cuốn trôi 16 gia súc, làm sập 2 chuồng trại, khiến gần 160 ha diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại  trên địa bàn tỉnh. 

Về cơ sở hạ tầng, 74 căn nhà bị hư hỏng, trong đó có 1 nhà bị thiệt hại đến 70%, 11 căn nhà bị thiệt hại từ 30% - 50 %; có 17 mét tường rào bị đổ sập.

Trong lĩnh vực giáo dục, có 9 điểm trường bị ảnh hưởng, 1 phòng học bị hư hỏng nặng, 525 mét tường rào nhà trường bị đổ sập, có 36m3 đất đá do sạt lở ảnh hưởng đến các ngôi trường.

Về giao thông, có 2 điểm trên Quốc lộ 16 bị lún sụt nền, mặt đường: tại Km194+940 (xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) và tại Km264+700 (xã Châu Kim, huyện Quế Phong) ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Hiện tại đơn vị quản lý đã bố trí biển cảnh báo, bố trí trực gác 24/24h và xử lý đắp vuốt nối êm thuận để đảm bảo an toàn giao thông.

Ngoài ra, mưa lũ còn khiến 7,7 km đường giao thông bị sạt lở, 4 cây cầu và 2 cống giao thông bị hư hỏng... Nhiều hồ đập, đập tràn, đường nội đồng, bờ kè cũng  bị thiệt hại, sạt lở.  


Toàn tỉnh có 68 cây cột điện bị gãy đổ, 2 cột điện bị nghiêng và 1.200 mét đường dây điện bị đứt do đợt thiên tai vừa qua.

Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các cấp, các Đoàn thể tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị tai nạn, gia đình chính sách, gia đình bị thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ vừa qua, trích kinh phí dự phòng của huyện để hỗ trợ theo quy định.
Chính quyền và Nhân dân các địa phương tập trung  khắc phục thiệt hại về nhà cửa, tài sản, vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất cây trồng bị ngập; sửa chữa các trường học, khắc phục công trình nước sạch để phục vụ sinh hoạt cho Nhân dân.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước....


Kỳ Sơn di dời khẩn cấp 281 hộ dân do sạt lở núi

(Baonghean.vn) - Do mưa lớn liên tục, trên địa bàn huyện rẻo cao Kỳ Sơn đang xuất hiện nhiều điểm sạt lở núi, đe dọa tính mạng của người dân. Trong tối 20/10, UBND huyện Kỳ Sơn đã di dời khẩn cấp 281 hộ dân thuộc các xã Mường Típ, Mướng Ải, Bảo Nam, Chiêu Lưu.