Tính từ ngày 10 - 17/1, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho 85 trẻ mắc sởi. Bệnh viện đã buộc phải dành cả khoa Bệnh Nhiệt đới chỉ tập trung điều trị cách ly riêng cho bệnh nhi mắc bệnh sởi, kể cả khám nội soi, chụp cũng thực hiện ngay tại khoa.

bna_image_8147780_1712019.jpgThời điểm này, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đang điều trị cho 66 trẻ mắc sởi. Ảnh: Thành Chung

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An: Cũng trong khoảng thời gian này, toàn tỉnh ghi nhận 81 trường hợp phát ban dạng sởi. Độ tuổi mắc đa số dưới 9 tháng tuổi. Nguyên nhân chính là do mẹ chưa tiêm phòng trước khi mang thai cho nên sữa mẹ không mang kháng thể giúp trẻ miễn dịch. Một số khác trên 9 tháng tuổi là do trẻ bị ốm nên hoãn tiêm và bị tiêm muộn, cha mẹ không đưa trẻ đi tiêm hoặc đi tiêm không đúng lịch nên chưa có đủ miễn dịch.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trọng Di - Phó Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An cho biết: Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi rút sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều. Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài.

Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vắc xin sởi và những người không có miễn dịch với vi rút sởi đều có thể bị mắc sởi.

Bác sĩ Di cũng khuyến cáo: Các phụ huynh cần đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương. Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày cho trẻ. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa ...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

Phụ huynh, thầy cô giáo cần lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày; cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh; hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch...

Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân; khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời cũng như thông báo với các cơ quan y tế; không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải và lây nhiễm chéo ở bệnh viện.

Trong dịp Tết Nguyên đán này, thời tiết thuận lợi cho vi rút sởi phát triển. Mọi người cần phòng chống sởi bằng việc tiêm phòng và thường xuyên theo dõi sức khỏe cho trẻ để nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh./