Ngày 12/5, Sở Y tế Nghệ An cho biết, đơn vị này vừa có văn bản về việc tăng cường giám sát các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã và thành phố Vinh và các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng, chống bệnh viêm gan virus theo Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 8/4/2012 của UBND tỉnh về việc phòng, chống bệnh viêm gan virus trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2025 và chỉ đạo của Sở Y tế tại Công văn số 1425/SYT-NVY ngày 12/4/2022.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập có trách nhiệm tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại các cơ sở y tế để xác định căn nguyên. Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, không rõ nguyên nhân đề nghị báo cáo ngay về Sở Y tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Đồng thời, phải thực hiện tốt việc khám, sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus viêm gan để điều trị, quản lý kịp thời hạn chế biến chứng. Tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế trong việc dự phòng, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân viêm gan virus.
Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh có phòng sinh: tiếp tục tăng cường triển khai công tác tiêm phòng vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh, đặc biệt trong 24h đầu sau sinh.
Sở Y tế Nghệ An cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế tuyến huyện tăng cường triển khai bao phủ vắc-xin viêm gan B cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng tại các cơ sở y tế đạt tỷ lệ đề ra và đảm bảo an toàn, không để tồn tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho trẻ em đạt thấp, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có trách nhiệm làm đầu mối tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, đến nay đã có gần 300 trẻ mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em từ 0 - 16 tuổi xuất hiện ít nhất tại 20 quốc gia, trong đó đã có 9 trường hợp tử vong.
Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh viêm gan cấp tính. Tuy nhiên, trước mức độ nguy hiểm của bệnh, những ngày qua Bộ Y tế liên tục có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường kiểm soát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.
Trẻ mắc bệnh có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, men gan tăng cao rõ rệt. Bệnh nhi không bị sốt, không nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan như virus viêm gan A, B, C, D, E. Đa số trẻ mắc bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn, 10% trường hợp nặng phải ghép gan.