(Baonghean) - Theo số liệu thống kê 10 năm gần đây, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 30 vụ cháy rừng, thiệt hại gần 90 ha rừng các loại. Riêng trong năm 2017, nạn cháy rừng được kiềm chế, thiệt hại không đáng kể.
Ngoài nguyên nhân khách quan thời tiết thuận lợi, phải kể đến sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; sự tham mưu có hiệu quả của lực lượng kiểm lâm.
Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu giải quyết tận gốc nguyên nhân cố ý đốt rừng với các giải pháp:
Một là: Nếu cháy rừng thông, thì chỉ được phép trồng lại rừng thông, không được tận thu gỗ do cháy rừng để đem bán.
Hai là: Nếu là đối tượng rừng trồng nghèo kiệt, thưa thớt, hiệu quả kinh tế và môi trường thấp, thì chủ rừng lập hồ sơ đề xuất cho thanh lý rừng, để khoanh vùng chuyển đổi sang trồng rừng mới. Nếu chủ rừng có nhu cầu xử lý thực bì vì các mục đích khác nhau như: Lấy đồng cỏ, phát triển cây dành để đem bán thì chủ rừng lập hồ sơ trình UBND xã xem xét cho xử lý, nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Ba là: Xác định những vùng rừng trọng tâm, xã trọng điểm để tập trung chỉ đạo, họp dân, tuyên truyền vận động, xây dựng phương án 4 tại chỗ, kiểm tra đôn đốc, quản lý chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng. Phát hiện sớm những mâu thuẫn tiềm ẩn trong nhân dân để xử lý; giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo xã, chủ rừng, kiểm lâm viên địa bàn bám sát địa bàn cơ sở để tham mưu làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Giải pháp cuối cùng đó là quy trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm, chủ rừng theo tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 11/4/2016 của Tỉnh ủy Nghệ An về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ rừng.
Như vậy, công tác bảo vệ rừng nói chung và phòng cháy, chữa cháy rừng nói riêng được xác định là trách nhiệm chính của chủ rừng; vai trò lãnh đạo quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm đóng vai trò nòng cốt tham mưu.
Việc đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy rừng; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các đơn vị địa phương, chủ rừng, hạt Kiểm lâm đã góp phần làm xanh thêm những cánh rừng./.
Hoàng Quốc Việt