Theo phản ánh của nhiều hộ kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định nội tỉnh từ Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông đi TP. Vinh, thì thời gian qua, nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, lợi dụng nhu cầu đi vào các tỉnh phía Nam tìm kiếm việc làm sau một thời gian về quê tránh dịch của người dân địa phương, rất nhiều xe khách đường dài dù không đăng ký tuyến cố định nhưng đã lên tận thị trấn Mường Xén bắt khách. Ngoài ra, các phương tiện này còn bắt khách chặng ngắn, khiến cho các đơn vị vận tải đăng ký tuyến cố định nội tỉnh bức xúc. Một số xe khách vượt tuyến lên bắt khách tại Kỳ Sơn. Ảnh: HĐ
Anh H, một lái xe chạy tuyến thị trấn Mường Xén - TP. Vinh bức xúc cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đặc biệt giá xăng dầu tăng nhanh, các đơn vị vận tải khách gặp rất nhiều khó khăn. Khi Nhà nước áp dụng biện pháp chống dịch trong tình hình mới, người dân đi lại nhiều hơn, hoạt động vận tải có dấu hiệu khôi phục trở lại chưa lâu thì chúng tôi lại gặp phải trường hợp bị chèn ép, bắt khách trái quy định của các phương tiện liên tỉnh.
"Các phương tiện liên tỉnh này không đăng ký tuyến cố định nên họ thoải mái bắt khách, dừng đỗ và chạy vào bất cứ giờ nào, trong khi đó chúng tôi thì phải đăng ký bến bãi, chạy theo tuyến cố định, mỗi lần ra vào bến phải đóng lệnh, nộp tiền" - anh H bức xúc.
Do bị chèn ép, và "ôm" luôn khách chặng ngắn khiến cho nhiều đơn vị vận tải nội tỉnh không dám chạy xe, vì nếu chạy sẽ bị lỗ, khi lượng khách lên xuống chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong khi chi phí xăng dầu ngày càng tăng lên. Xe khách vượt tuyến tập kết tại thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn) để bắt khách. Ảnh: HĐ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại ngoài tuyến xe buýt từ TP. Vinh lên đến Con Cuông, tuyến QL7A còn có khoảng 30 phương tiện vận tải khách cố định đăng ký hoạt động.
Những năm gần đây, trước tình trạng xe khách không đăng ký tuyến cố định nhưng chạy vượt tuyến, tranh giành khách, gây mất trật tự an toàn giao thông, phía Sở GTVT Nghệ An cũng đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với những phương tiện do tỉnh cấp phép và gửi văn bản đề nghị thu hồi phù hiệu tới Sở GTVT của các tỉnh có xe vi phạm.
Theo Điểm c, Khoản 3, Điều 23, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì những trường hợp không chạy đúng tuyến đường, lịch trình, hành trình vận tải quy định sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Bên cạnh đó tại Điểm d, Khoản 6, Điều 28 Nghị định 100 nêu rõ mức phạt tiền đối với chủ xe là cá nhân từ 5 đến 6 triệu đồng và với đơn vị kinh doanh vận tải là 10 đến 12 triệu đồng khi không thực hiện đúng các nội dung đã đăng ký, niêm yết về: Hành trình chạy xe; điểm đầu, điểm cuối của tuyến; giá cước; giá dịch vụ; tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải.