Cũng như các năm, vụ này gia đình chị Nguyễn Thị Hồng ở xóm Đại Đồng, xã Quỳnh Liên trồng 5 sào su su. Khoảng tháng 7 âm lịch, gia đình chị tập trung nhân lực ra đồng cải tạo, làm đất và xuống giống. Sau 4 tháng trồng và chăm sóc, đến tháng 11 âm lịch, vườn su su xanh mướt của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch quả, thời gian thu hoạch kéo dài trong vòng 5 - 6 tháng.

Nghệ An: Su su 'nhích' giá, nhà nông mong kéo lại vốn ảnh 1
Su su cây trồng chủ lực ở Hoàng Mai. Ảnh: Việt Hùng

Chi Hương cho biết, thời điểm mới thu hoạch, thương lái thu mua su su với giá cao, có lúc lên 7.000 đồng/kg; tuy nhiên, được khoảng 1 tháng sau giá bắt đầu giảm dần; đặc biệt là trong dịp trước tết Nguyên đán, giá chỉ còn 300 đồng/kg. Do giá thu mua quá rẻ mạt, không có lãi nên người dân đành hái bỏ tại ruộng.

“Khoảng 3 – 4 ngày trở lại đây, giá su sutừ 300 đồng/kg đã tăng nhẹ lên 1.000 đồng/kg. Với 5 sào su su, nếu giá trên đà 1.000 đồng kéo dài cho đến hết vụ, gia đình may chăng chỉ đủ chi phí bỏ ra ban đầu, chứ chưa tính công trong suốt 6 tháng chăm sóc”, chị Hương nói.

Toàn xã Quỳnh Liên có khoảng 300 ha  chuyên canh rau màu các loại, trong đó, có khoảng 60 – 70 ha su su cho thu hoạch từ tháng 11 âm lịch kéo dài đến hết tháng 4 của năm sau. Để tránh tình trạng được mùa, mất giá, năm nay bà con xã Quỳnh Liên giảm diện tích trồng cây su su khoảng 30% tổng diện tích.

Nông dân Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) thu hoạch su su. Ảnh: Việt Hùng

Tuy nhiên, được thời gian đầu, giá có tăng cao nhưng sau đó lại giảm dần và thời điểm hiện tại giá còn 1.000 đồng/kg. Theo bà con, nếu giá giữ ở mức này và có thể tăng lên thì sau khi hết vụ, người trồng chỉ đủ chi phí bỏ ra ban đầu.

Chị Lê Thị Hòa – hộ trồng su su ở xã Quỳnh Liên chia sẻ: “Su su là giống cây dễ trồng và chăm sóc, tuy nhiên, cũng đòi hỏi rất nhiều công. Bình quân 1 sào su su nếu được thu mua với giá 4.000 – 5.000 đồng/kg thì người dân thu lãi 15 triệu đồng/sào; thế nhưng, trước và sau Tết đến nay giá thu mua chạm đáy nên hy vọng vụ này bà con chỉ đủ vốn đầu tư, không dám nghĩ đến chuyện có lãi hay không”.

Từ lâu, su su Quỳnh Liên được thị trường ở phía Bắc ưa chuộng, mỗi ngày các đầu mối thu gom trên 100 tấn su su để vận chuyển ra Hà Nội tiêu thụ. Hiện su su Quỳnh Liên đã tiếp cận được 3 chợ đầu mối: Dịch Vọng, Long Biên, Thường Tín (Hà Nội). 

Sản phẩm su su của xã Quỳnh Liên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2016. Mặc dù thế, nhiều năm qua, su su Quỳnh Liên vẫn trong tình trạng “được mùa, mất giá”, thậm chí nhiều năm ế ẩm, phải giải cứu, người trồng su su thu nhập chưa cao. Do vậy, các cấp chính quyền địa phương đang tập trung chỉ đạo bà con nhân dân chủ động thích ứng với các điều kiện trong sản xuất.

Ông Hồ Ngọc Tăng – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên cho biết: Trong thời gian tới, địa phương sẽ tuyên truyền bà con chuyển đổi một số diện tích trồng su su kém hiệu quả sang trồng cà rốt và các loại rau giá trị khác để nâng cao thu nhập; bên cạnh đó tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ su su.