(Baonghean) - "Nóng" tuyển sinh bậc học mầm non là 1 trong những vấn đề rất được quan tâm thời điểm đầu tháng 8; khi nhu cầu của phụ huynh tăng cao, nhưng cơ sở vật chất trường lớp chưa đủ để đáp ứng.
Căng thẳng “bốc thăm”
Trường Mầm non Hưng Bình - TP. Vinh từng được báo chí nhắc đến vài năm trước khi phụ huynh phải xếp hàng từ tờ mờ sáng để xin nộp hồ sơ vào trường mầm non cho con cháu. Năm học này, tình trạng ấy không còn diễn ra, nhưng cảnh thấp thỏm, lo lắng để xin cho con có một suất vào học vẫn vậy. Điều này là dễ hiểu: Năm nay, toàn phường có 250 cháu 2 tuổi (sinh năm 2015) có nhu cầu vào lớp, nhưng theo chỉ tiêu thì chỉ có 25 cháu trúng tuyển.
Thực tế toàn trường Hưng Bình chỉ có 14 lớp học (dành cho 4 độ tuổi từ 2 – 5 tuổi). Những năm trước, việc phân bổ các lớp khá đồng đều. Nhưng năm học này, số chỉ tiêu cho trẻ 2 tuổi phải giảm một nửa bởi phường phải ưu tiên 2 lớp (gần 80 cháu) dành cho trẻ 5 tuổi, độ tuổi phổ cập. Các cháu trên thực chất vốn là con em của phường (hoặc có đăng ký tạm trú tại phường), nhưng những năm trước do không có lớp công lập nên chưa được đi học hoặc đang phải học ở các trường ngoài công lập hoặc nhóm trẻ gia đình.
Do chỉ tiêu của trường ít mà nhu cầu quá lớn nên trường buộc phải dùng hình thức “bốc thăm”. Buổi bốc thăm chỉ diễn ra trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, nhưng rất căng thẳng vì tỷ lệ chọi được ví còn “căng” hơn cả vào đại học. Trước đó, để “hạn chế” hồ sơ đăng ký, nhà trường cũng chỉ tuyển sinh các cháu sinh từ tháng 1 đến tháng 9/2015.
Những cháu sinh sau ngày này, chấp nhận phải học trường ngoài công lập, ở nhà và chỉ có cơ hội đến học tại trường khi 5 tuổi, tuổi phổ cập. Có mặt rất sớm để bắt thăm cho cháu ngoại, ông Lê Đình Thọ (khối 19) chia sẻ: “Hai vợ chồng con gái của tôi đều làm nghề tự do, cuộc sống khá bấp bênh. Vậy nên, nguyện vọng của gia đình là cháu được học công lập, vừa gần nhà, vừa đỡ một phần chi phí. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêu quá ít như thế này thì cơ hội thật khó khăn...”.
Và, dù ông Thọ là một trong những người đầu tiên bắt thăm nhưng cháu gái ông đã không may mắn trúng tuyển.
Nói về áp lực bậc học mầm non ở phường Hưng Bình, bà Hồ Thị Nhàn - Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: “Hiện nay, số trẻ ở phường tăng nhanh qua từng năm, đặc biệt khi trên địa bàn xuất hiện rất nhiều khu chung cư sinh sống chủ yếu là các gia đình trẻ. Trong khi phường không thể tăng số lớp học do khuôn viên trường quá nhỏ và kết cấu nhà cũ, không xây thêm tầng lên được...”.
Tương tự ở nhiều phường khác trên TP. Vinh, do nhu cầu lớn mà việc đáp ứng của các trường mầm non công lập hạn chế, nên không tránh được sự bức xúc từ phía phụ huynh. Đến Trường Mầm non Lê Mao đúng vào buổi đăng ký hồ sơ vào học cho trẻ, trong rất nhiều ý kiến của phụ huynh, có không ít người phàn nàn như “chúng tôi cư trú ở phường nhiều năm, từ khi mới sinh con tôi đã phải đóng nhiều loại phí mà nay lại chịu sự “bất công” khi không được học tại trường của phường”.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Lê Mao giãi bày: “Cứ đến mùa tuyển sinh chúng tôi chịu rất nhiều áp lực. Biết rằng nguyện vọng của phụ huynh là chính đáng nhưng trong điều kiện hiện nay, chúng tôi không thể “vượt rào” tuyển sinh"...
Theo như kế hoạch đã được xét duyệt, năm học này toàn phường Lê Mao được tuyển sinh 50 cháu 2 tuổi nhưng nhu cầu thực tế cao gấp 4 lần. Riêng với trẻ 5 tuổi, nhà trường dự kiến sẽ tăng thêm hơn 100 cháu, trong đó có 49 cháu chưa được đến trường và số còn lại hiện đang học ở trường khác có nhu cầu quay về trường để được phổ cập mầm non. Trong trường hợp, nếu độ tuổi 5 tuổi tăng nhiều so với kế hoạch, nhà trường cũng chưa biết sẽ tìm ra đâu phòng học cho các lứa tuổi còn lại khi toàn trường chỉ có 12 lớp”.
Tăng trưởng nóng & giải pháp
Năm học 2017 - 2018 được xem là năm tăng trưởng nóng của bậc mầm non khi số trẻ 5 tuổi (sinh năm 2012) - năm “rồng vàng” tăng đột biến. Trong đó, riêng địa bàn thành phố Vinh số trẻ đã tăng gần 2.000 cháu. Trên toàn tỉnh, theo số liệu tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, nếu như năm học trước, số trẻ 5 tuổi chỉ có 59.000 trẻ thì năm nay tăng lên gần 75.000 trẻ, tăng khoảng 16.000 trẻ và tăng thêm khoảng 250 nhóm lớp.
Thực tế trên đẩy các địa phương vào tình thế khó khăn khi mà số lớp ở các trường công lập không tăng nhiều và chỉ tiêu giáo viên cho bậc học mầm non gần như đã “đóng băng”. Điều này cũng khiến cho việc huy động “trẻ đến lớp” của tỉnh đạt thấp với khoảng hơn 17% so với tổng số trẻ trên toàn tỉnh và chưa đạt chỉ tiêu 25% so với Nghị quyết số 70/ 2012/- HĐND tỉnh về quy hoạch và phát triển giáo dục và đào tạo Nghệ An đưa ra.
Tại thị xã Hoàng Mai, ông Nguyễn Viết Lộc - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã cho biết: “Do năm nay, số trẻ 5 tuổi trên địa bàn tăng gần 400 cháu, nên thị xã buộc phải “co” lại số trẻ 2 tuổi. Điều này, cũng khiến cho việc huy động trẻ 2 tuổi ở nhóm trẻ công lập giảm xuống 11,6% (so với 12%) so với năm trước. Nhiều đơn vị chỉ bố trí được 1 nhóm trẻ như Trường Mầm non Quỳnh Vinh A, Mầm non Mai Hùng. Một số trường do thiếu lớp như Quỳnh Dị, Quỳnh Xuân, Quỳnh Thiện chấp nhận phải tăng số lượng trẻ ở các lớp, thậm chí có nơi lên đến 50 cháu/lớp”.
Để giải quyết bài toán này, thời gian qua, hệ thống các trường mầm non ngoài công lập khá phát triển. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động chưa được như kỳ vọng. Đơn cử như ở thị xã Hoàng Mai, năm học trước, Trường Mầm non Long Thành với quy mô 15 phòng học được đưa vào hoạt động. Năm đầu tiên chỉ mới huy động được 5 lớp (trong đó có 3 lớp nhà trẻ, 2 lớp mẫu giáo 3 và 4 tuổi).
Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hoàng Mai cũng thừa nhận: “So với các trường công lập, cơ sở vật chất và điều kiện của các trường ngoài công lập khá tốt. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng có đủ điều kiện để cho con theo học vì mức học phí cao hơn 600.000 đồng/em so với trường công lập. Thường thì chỉ những gia đình có con còn quá nhỏ (dưới 24 tháng) mới đem con đến học vì đối tượng này chưa được tiếp nhận ở khối trường công lập”.
Tại thành phố Vinh, với 29 trường mầm non ngoài công lập hiện đã đáp ứng được 31,3% tổng số trẻ đến trường của thành phố. Mặc dù vậy, quá trình phát triển vẫn còn khá nhiều điều phải băn khoăn, đặc biệt trong công tác quy hoạch. Chẳng hạn, trên địa bàn phường Lê Lợi hiện có đến 6 trường mầm non ngoài công lập và một số doanh nghiệp đang có kế hoạch thành lập thêm vài trường trên địa bàn trong những năm tới.
Ngoài ra, nhiều trường đang có tình trạng thu nhiều khoản trái quy định, nhiều trường cơ sở vật chất, diện tích phòng học không đảm bảo, thiết kế không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, thiếu sự an toàn như Trường Mầm non Hoàng Anh, Trường Mầm non Đường Bộ, Trường Mầm non Hoa Thủy Tiên.
Cô giáo Hoàng Thị Vinh - Hiệu Trưởng Trường Mầm non Hưng Phúc cũng cho biết: “Hiện các trường mầm non tư thục đều tự thu chi nên có nhiều khó khăn. Vì vậy, trong quá trình phát triển, tỉnh và thành phố nên có những chính sách ưu tiên để các trường ngoài công lập có điều kiện phát triển và mở rộng quy mô trường lớp...”.
Với mục tiêu tăng tỷ lệ huy động trẻ 2 tuổi đến lớp, Sở Giáo dục và Đào tạo đang giao cho Phòng Giáo dục mầm non tham mưu lập Đề án Giáo dục mầm non ngoài công lập trình UBND tỉnh để củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, năm học này, Sở cũng đề xuất tỉnh cho phép các trường mầm non công lập được thực hiện cơ chế hợp đồng giáo viên theo hình thức thời vụ có sự quản lý giám sát chặt chẽ, nhằm đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp và tránh tình trạng hợp đồng “chui” giáo viên mầm non đang diễn ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua.
Mỹ Hà