Thông tin về đề án lắp đặt camera giám sát vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hành vi che biển số sẽ xử lý như thế nào... Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Nam Hồng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Nghệ An).
P.V: Mới đây, Đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh, trật tự và xử lý vi phạm hành chính" do Bộ Công an đề xuất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông có thể thông tin rõ hơn về đề án này?
Thượng tá Nguyễn Nam Hồng: Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh, trật tự và xử lý vi phạm hành chính” có quy mô lớn nhất từ trước tới nay do Bộ Công an xây dựng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/2/2021. Đề án có tổng mức đầu tư khoảng 2.150 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác, thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025.
Theo đó, trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ trọng điểm sẽ được lắp đặt camera. Đề án được chia làm 3 dự án. Dự án 1, đầu tư xây dựng Trung tâm Dữ liệu dùng chung, phục vụ cho kết nối, chia sẻ dữ liệu camera. Dự án này ngoài xây dựng kho dữ liệu dùng chung có tích hợp các hệ thống camera giám sát trên không gian mạng; quản lý dữ liệu dùng chung và tích hợp với các hệ thống nghiệp vụ trong và ngoài ngành Công an; lưu trữ toàn bộ dữ liệu camera trên tuyến Quốc lộ 1A, các tuyến cao tốc...
Với dự án 2, dự án 3 có cùng nội dung đầu tư, nâng cấp Trung tâm Thông tin chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh, trật tự, xử lý vi phạm cho 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM.
Mục tiêu của đề án được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ vào phát hiện hành vi vi phạm, quản lý an ninh, trật tự, an toàn giao thông, giúp giảm thiểu sự có mặt trực tiếp của cảnh sát giao thông trên đường. Khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ, cảnh sát giao thông chỉ làm nhiệm vụ tuần lưu, điều tiết, chỉ huy dẫn đoàn, giải quyết tai nạn là chính, chỉ lập chốt phát hiện các lỗi camera không thể phát hiện được như nồng độ cồn, ma túy, vượt quá tải trọng...
P.V: Trước khi có đề án này, Nghệ An là một trong số ít các địa phương đã triển khai lắp đặt, tiến hành xử phạt qua hệ thống camera. Ông có thể cho biết, hiện trên địa bàn có bao nhiêu điểm lắp đặt camera và kết quả xử lý trong thời gian qua?
Thượng tá Nguyễn Nam Hồng: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hoàn thiện việc lắp camera giao thông phạt nguộitại 28 điểm. Trong đó, Quốc lộ 1A, gồm các điểm tại: Km 383+750 (Trạm Thu phí Hoàng Mai); Ngã tư giao nhau giữa Quốc lộ 1A và 48D* ; Km 394 (khối 12, Quỳnh Xuân, TX. Hoàng Mai); Km 402+400 (xóm 12, xã Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu); Ngã tư Cầu Giát (Km 404+250)*; Km 412 (ngã 3 Yên Lý, huyện Diễn Châu); Km 420 (thôn 6, xã Diễn Kỷ, Diễn Châu); Ngã tư Diễn Châu (Km 424+800)*; Km 425+500 (khối 6, thị trấn Diễn Châu); Km 426+300 (xóm 8, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu); Km 440 (xóm Cửa Mơ, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc); Km 445 (KCN Nam Cấm, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc).
Đường tránh Vinh, gồm các điểm tại: Km 9+400 (tránh Vinh - xóm Bắc Kẻ Gai, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên); Ngã tư Hưng Tây (Km 11+700, đường tránh Vinh)*; Km 25 (Bến Thủy, TP. Vinh).
Thành phố Vinh, gồm các điểm tại: Km 467+50 (Thu phí Bến Thủy 1); Ngã tư Maximax (giao Nguyễn Thái Học - Quang Trung)*; Ngã tư chợ Vinh*; Ngã sáu Lê Mao kéo dài - Trần Phú*; Ngã tư Đại học Vinh*.
Từ ngày 1/8/2020 đến nay, Phòng CSGT tỉnh đã gửi thông báo cho khoảng 8.500 trường hợp vi phạm. Theo đó, tính đến nay đã có 3.000 trường hợp đến phối hợp xử lý. Người đến giải quyết hầu hết đều thừa nhận và chấp hành việc xử phạt nguội, không xảy ra tình trạng không hợp tác. Đáng nói, với hình thức “phạt nguội”, ngoài giảm mật độ CSGT có mặt trên tuyến, còn cho thấy sự minh bạch, không dễ xảy ra tiêu cực như xin - cho, qua đó có tác dụng nâng cao ý thức đối với chủ phương tiện khi tham gia giao thông.
Việt Nam hiện có hơn chục tuyến cao tốc và gần 130 tuyến quốc lộ từ Bắc vào Nam, tuy nhiên, chỉ một số tuyến được lắp đặt camera. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 262 km, có 110 camera giám sát; cao tốc TP. HCM - Trung Lương dài 61,9 km có 11 camera; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 130 km, lắp đặt 78 camera.
Tuyến Quốc lộ 1A đoạn Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình dài 330 km có 90 camera; đoạn TP. HCM - Đồng Nai đã lắp đặt 43 camera.
Tại TP. Hà Nội và TP. HCM cũng có hệ thống với cả nghìn camera xử phạt, camera an ninh, camera giao thông đưa vào hoạt động nhiều năm trước, tuy nhiên, chỉ tập trung ở các tuyến phố trung tâm, trọng điểm.
P.V: Ông có thể cho biết về quy trình xử phạt qua hệ thống giám sát vi phạm (phạt nguội) như thế nào?
Thượng tá Nguyễn Nam Hồng:Với hệ thống camera giám sát như hiện nay, cùng với đường truyền sắc nét, ổn định, những hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ... đều được hệ thống camera giám sát ghi nhận và chụp hình ảnh lại. Sau khi xác minh các vi phạm, đảm bảo đủ 4 yếu tố pháp lý gồm không gian, thời gian vi phạm, lỗi vi phạm và biển số đăng ký của phương tiện vi phạm, Phòng CSGT sẽ in và phát phiếu thông báo gửi về địa chỉ của chủ phương tiện vi phạm để xử phạt theo quy định.
P.V: Gần đây xuất hiện tình trạng các chủ phương tiện che biển số để tránh lỗi phạt nguội. Vậy, đối với hành vi này xử lý thế nào, thưa ông?
Thượng tá Nguyễn Nam Hồng: Qua theo dõi, gần đây xuất hiện hành vi làm sai lệch biển số do cơ quan có thẩm quyền cấp, bằng cách dùng bút xóa, dùng băng dính hay là bùn đất để che khuất, làm biến dạng chữ số trên biển số...
Hành vi nói trên không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy khó lường về an ninh, trật tự. Hiện, đơn vị đang tiếp tục tận dụng tối đa hệ thống camera giám sát để hỗ trợ xác minh và phát hiện xe có dấu hiệu làm sai lệch biển số do cơ quan có thẩm quyền cấp. Khi phát hiện phương tiện vi phạm, trung tâm chỉ huy sẽ thông báo cho các tổ tuần tra lưu động dừng xe để xử lý. Cụ thể, từ tháng 12/2020 đến nay, đã xác minh xử phạt 9 trường hợp.
Xảy ra hiện tượng nói trên, ngoài ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông, còn bởi mức xử phạt đối với hành vi này hiện còn thấp. Cụ thể, theo Điểm c, Khoản 3, Điều 16, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi điều khiển xe ô tô không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) bị phạt tiền từ 800.000-1.000.000đồng.
Với cùng hành vi trên, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 17, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện). Bởi vậy, theo tôi tới đây cần tăng mức xử phạt đối với hành vi này.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!