TỶ LỆ CỬ TRI THỐNG NHẤT SÁP NHẬP CAO

Xã Hưng Long và xã Hưng Xá (huyện Hưng Nguyên) sẽ sáp nhập thành xã mới. Vừa qua, các địa phương này đã tổ chức lấy ý kiến của cử tri về phương án sáp nhập, tên gọi xã mới; kết quả cho thấy tỷ lệ đồng thuận cao: Hưng Long là 96,86% và Hưng Xá là 97,68% cử tri tham gia lấy ý kiến đồng ý.

bna_image_6820868_492019.jpgSau khi sáp nhập xã Hưng Long và Hưng Xá thành xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên. Dự kiến trụ sở xã mới sẽ đạt tại trụ sở xã Hưng Long hiện nay. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Hoàng Nghĩa Toàn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hưng Long cho biết: Trong quá trình chuẩn bị sáp nhập, xã đã tập trung công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân để nắm và hiểu rõ chủ trương. Điều thuận lợi là trước đây, có thời điểm Hưng Long và Hưng Xá từng là một xã có tên Phù Long, bên cạnh đó tính chất văn hóa, lịch sử, tập quán, cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh tương đồng; hệ thống đất sản xuất nông nghiệp đan xen, có tính đồng bộ… nên nhận được đồng thuận cao trong nhân dân.

Giai đoạn 2019 - 2021, Hưng Nguyên sẽ sáp nhập 10 xã thành 5 xã, gồm: Hưng Xá và Hưng Long thành xã Long Xá, Hưng Xuân và Hưng Lam thành xã Xuân Lam, Hưng Phú và Hưng Khánh thành xã Hưng Thành, Hưng Châu và Hưng Nhân thành xã Châu Nhân, Hưng Tiến và Hưng Thắng thành xã Hưng Nghĩa.

Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, huyện Hưng Nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo do trực tiếp Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban và 3 tổ công tác về trực tiếp các cụm vừa hướng dẫn vừa đôn đốc, chỉ đạo các bước sáp nhập.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Toàn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên (người đứng) trao đổi công việc với cán bộ xã. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Hoàng Văn Phi - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hưng Nguyên cho biết: Đến nay, việc lấy ý kiến cử tri đã hoàn thành. HĐND các xã cũng đã tổ chức kỳ họp thông qua đề án sáp nhập. Mặc dù số lượng xã sáp nhập lớn nhưng do thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nên tỷ lệ đạt cao, nhiều xã đạt trên 97% cử tri đồng tình. Chiều 30/8, HĐND huyện cũng đã họp và thông qua đề án sáp nhập các ĐVHC cấp xã trên địa bàn huyện.

Trên toàn tỉnh, các địa phương có ĐVHC cấp xã thuộc diện sáp nhập cũng đã khẩn trương triển khai các bước theo kế hoạch. Ngày 26/8, HĐND huyện Thanh Chương đã thông qua đề án sáp nhập 3 xã Thanh Tường, Thanh Hưng và Thanh Văn để thành lập xã Đại Đồng. Ngày 27/8, HĐND huyện Nghĩa Đàn đã thông qua đề án sáp nhập 3 xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Tân, Nghĩa Liên thành xã Nghĩa Thành;…

Thông tin từ Sở Nội vụ cho biết, qua tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn 36 đơn vị hành chính cấp xã diện sáp nhập, đại đa số cử tri đều đồng tình, ủng hộ với phương án sáp nhập với tỷ lệ thống nhất cao. Đến 30/8, có 9 huyện, thị có các ĐVHC cấp xã thuộc diện sáp nhập đã tổ chức kỳ họp HĐND cấp huyện để thông qua đề án.

Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn kiểm tra điểm bỏ phiếu lấy ý kiến nhân dân tại xã Nghĩa Liên. Ảnh: Thanh Liên

Việc lấy ý kiến của cử tri về phương án sáp nhập, tên gọi của ĐVHC cấp xã mới - được xem là khâu khó nhất - đã hoàn thành và đạt được tỷ lệ thống nhất cao. Điều này cho thấy, công tác chỉ đạo, tuyên truyền của tỉnh, Sở Nội vụ và cấp ủy, chính quyền các địa phương được thực hiện kịp thời, sâu sát, qua đó tạo cơ sở thuận lợi để thực hiện các bước tiếp theo. Trong đó, trên cơ sở đề án các huyện, thị đã được HĐND cùng cấp thông qua, Sở Nội vụ đang tổng hợp để xây dựng Đề án tổng thể toàn tỉnh, và ngay trong tháng 9 sẽ trình Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến, trước khi trình HĐND tỉnh tại kỳ họp bất thường dự kiến tổ chức ngày 25/9. Sau đó tỉnh sẽ trình Đề án sáp nhập tới Hội đồng thẩm định Trung ương và tiếp theo là trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

SẼ CÓ HƯỚNG DẪN SẮP XẾP, BỐ TRÍ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC 

Qua tìm hiểu tại cơ sở, vấn đề lo lắng nhất tại các địa phương có ĐVHC cấp xã thuộc diện sáp nhập là công tác bố trí cán bộ, công chức dôi dư. Như tại Nghĩa Đàn sau khi sáp nhập 3 xã thành xã mới thì tổng số cán bộ, công chức dôi dư là 39 người. Theo phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Nghệ An trong giai đoạn 2019 -2021, trong 36 ĐVHC cấp xã sáp nhập có tổng số 734 cán bộ, công chức (cán bộ 342 người, công chức 392 người). Sau khi sắp xếp giảm 20 đơn vị, còn 16 ĐVHC hành chính cấp xã thì sẽ dôi dư 366 cán bộ, công chức.

Hội nghị lấy ý kiến cử tri tại bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương.

Đồng chí Nguyễn Thăng Long - Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên - Sở Nội vụ, Tổ trưởng Tổ giúp việc triển khai, thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian tới Sở Nội vụ sẽ ban hành Hướng dẫn sắp xếp, bố trí và giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau khi sáp nhập. Nguyên tắc chung là bảo đảm dân chủ, khách quan, minh bạch trong việc rà soát, đánh giá, xếp loại, bố trí, sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và những người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp.

Bên cạnh đó, lựa chọn, bố trí, sắp xếp những người có đủ phẩm chất, năng lực, tiêu chuẩn, điều kiện (nhất là độ tuổi) để bố trí vào các tổ chức bộ máy của ĐVHC mới và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp, gắn với chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; quan tâm giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và những người hoạt động không chuyên trách dôi dư tại các xã, phường, thị trấn sau khi sắp xếp.

Giải quyết TTHC tại Bộ phận Một cửa của UBND huyện Đô Lương. Ảnh tư liệu: Thanh Lê