Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai. Cùng dự có đại diện các bộ, ngành liên quan và các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 7.
Chủ trì tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng dự có đại diện các sở, ngành là thành viên Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Mở đầu buổi họp, đại diện Tổng cục Phòng chống Thiên tai cập nhật thông tin mới nhất về cơn bão số 7. Theo đó, hiện bão số 7 ở 19,7 độ vĩ Bắc, 109,8 độ kinh Đông trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc); sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120 km. Dự kiến từ ngày 10/10, bão sẽ chuyển hướng và đi theo hướng Tây Tây Nam và sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, nguy cơ mưa to gây ra mưa rất lớn.
Ngoài cơn bão số 7, hiện trên biển Philippines còn có 1 cơn bão mới đang hình thành và dự kiến sẽ vào biển Đông trong ngày 13/10 và nhiều khả năng sẽ trở thành bão số 8 nên các địa phương cần theo dõi.
Theo bản tin dự báo thời tiết của Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ, trong những ngày tới, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7, kết hợp với không khí lạnh tăng cường trên cao, áp cao cận nhiệt đới lấn về phía Tây nên trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ ngày 10 đến 12/10 xảy ra 01 đợt mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa ở các huyện đồng bằng ven biển và trung du có khả năng đạt 150-250 mm; các huyện miền núi có khả năng đạt 80-150 mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các vùng trũng thấp, ven sông.
Để chủ động ứng phó với bãosố 7 và mưa, trên cơ sở công điện của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã có một số công điện chỉ đạo các cấp sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó. Đến thời điểm 13h ngày 09/10 đã có 3.275 trên tổng số 3.438 phương tiện tàu thuyền và 16.758 lao động trên tổng số 17.190 lao động đã về nơi tránh trú; có 163 phương tiện và 432 lao động đang hoạt động trên biển (khu vực ven bờ); không có phương tiện trong khu vực nguy hiểm, tỉnh Nghệ An sẽ cấm biển từ 0 giờ ngày 10/10/2021.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình an toàn hồ đập, thu hoạch lúa vụ hè thu và vụ mùa trên địa bàn tỉnh, tình hình nuôi cá lồng bè và tàu thuyền hoạt động trên biển. Trên cơ sở báo cáo về tình hình phòng dịch Covid-19 trên địa bàn, tỉnh khẳng định luôn chủ động trong ứng phó với thiên tai bão lũ. Hiện tại, cùng với tổ chức đón hàng ngàn người dân hồi hương, tỉnh đang xây dựng kế hoạch đón bà con của các tỉnh phía Bắc từ miền Nam về qua Nghệ An khi bão vào.
Tại hội nghị, Nghệ An cũng như một số tỉnh đề xuất Trung ương tăng cường thời lượng tuyên truyền thông tin về mưa bão trên hệ thống phát thanh cho người dân. Trên cơ sở phương châm “4 tại chỗ” nhưng Trung ương cần có các phương án tăng cường khả năng, phương tiện ứng cứu của cấp trên khi có tình huống mưa bão gây thiệt hại lớn xảy ra; công tác dự báo bão cần chính xác và cập nhật sát thực hơn để địa phương chỉ đạo di dời dân.