Ngoài Công ty CP cấp nước Nghệ An đã có giá tiêu thụ nước sạch, các đơn vị còn lại gồm các công ty cấp nước ở các huyện chưa có giá tiêu thụ nước sạch.

 Thực trạng

Công ty CP cấp nước Cửa Lò, Công ty CP cấp nước Thái Hòa, Công ty CP cấp nước Diễn Châu, Công ty CP cấp nước Quỳnh Lưu và Ban quản lý dự án nước sạch huyện Yên Thành đang quản lý 5 hệ thống cấp nước với tổng công suất 14.000m3/ngày đêm (chiếm 12,73% tổng công suất) trong toàn tỉnh.

Trong đó, hệ thống cấp nước sạch thị xã Thái Hòa do Công ty CP cấp nước Thái Hòa quản lý, vận hành; công suất thiết kế 4.000m3/ngày đêm, nguồn nước thô lấy từ Sông Hiếu.

bna_nuoc18729792_942019.jpgHệ thống cấp nước thô ở Nam Đàn. Ảnh: Trân Châu
Hệ thống cấp nước sạch thị trấn Diễn Châu do Công ty CP cấp nước Diễn Châu quản lý vận hành, công suất thiết kế 2.000m3/ngày đêm, nguồn nước thô lấy từ Sông Bùng. Hệ thống cấp nước sạch thị trấn Giát do Công ty CP cấp nước Quỳnh Lưu quản lý, vận hành, nước mặt lấy từ Cầu Đông.
Hệ thống cấp nước sạch thị trấn Yên Thành do Ban quản lý dự án nước sạch huyện Yên Thành quản lý vận hành, nước thô lấy từ sông Lam (nước mặt) thông qua hệ thống kênh tưới của Công ty thủy lợi Bắc Nghệ An quản lý.

Hai hệ thống còn lại là hệ thống cấp nước sạch thị xã Cửa Lò do Công ty CP cấp nước Cửa Lò quản lý, vận hành, hiện đang triển khai dự án xây dựng Nhà máy nước Nghi Hoa nâng cấp mở rộng công suất 10.000 m3/ngày đêm (dự kiến đi vào vận hành hoạt động trong năm 2019). Còn hệ thống cấp nước sạch thị xã Hoàng Mai do Công ty TNHH cấp nước Hoàng Mai quản lý vận hành hiện công trình đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng.

Nước lắng lọc tại Xí nghiệp nước Cầu Bạch. Ảnh: Trân Châu

Tìm hiểu được biết, hiện giá tiêu thụ nước sạch do các Công ty CP cấp nước Thái Hòa, Công ty CP cấp nước Diễn Châu, Công ty CP cấp nước Quỳnh Lưu, Công ty CP cấp nước Cửa Lò và Ban quản lý Nhà máy nước thị trấn Yên Thành sản xuất và cung ứng hiện nay đang thực hiện theo quy định tại Điểm b, Điều 1 Quyết định số 37/2016/QĐ-UBND ngày 13/05/2016.

Tuy nhiên từ năm 2018 trở về trước, chỉ có Công ty CP cấp nước Nghệ An thực hiện xây dựng phương án giá nước sạch đô thị và được UBND tỉnh phê duyệt giá, các đơn vị còn lại chưa xây dựng phương án giá nước sạch cụ thể mà chủ yếu thực hiện theo giá của Công ty CP cấp nước Nghệ An (là Công ty chiếm chủ yếu công suất trên địa bàn tỉnh Nghệ An).

Làm đúng quy định nhà nước

Qua 2 năm triển khai thực hiện, hiện nay UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 41/2018 quy định giá tiêu thụ nước sạch đô thị do Công ty CP cấp nước Nghệ An sản xuất, cung ứng. Vì vậy, chưa có căn cứ pháp lý về giá nước để các Công ty còn lại thực hiện.

Thông tư số 88/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính giá nước phải được thực hiện khác nhau giữa các đô thị; khác nhau giữa đô thị loại 1, loại 2, loại 3, loại 4. Việc các công ty cấp nước trong tỉnh dùng chung giá nước của Công ty CP cấp nước Nghệ An vốn chủ yếu dùng để tính cho người dân ở đô thị Vinh là không hợp lý. Do vậy, việc quy định giá tiêu thụ nước sạch khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh của các đơn vị còn lại là rất cần thiết.

Ông Hoàng Minh Quân - Trưởng phòng Giá Sở Tài chính Nghệ An

“Hiện Công ty CP cấp nước Cửa Lò và Công ty TNHH cấp nước Hoàng Mai đang đầu tư xây dựng nên chưa thống kê được số liệu cụ thể để xây dựng phương án giá. Đối với hệ thống cấp nước sạch tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong hiện nay đang trong quá trình đấu thầu lựa chọn đơn vị quản lý, chưa có phương án giá nước cụ thể.

Vì vậy, lần này Sở Tài chính chỉ trình UBND tỉnh xem xét để ban hành giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn tỉnh của các Công ty CP cấp nước Thái Hòa, Công ty CP cấp nước Diễn Châu, Công ty CP cấp nước Quỳnh Lưu và Ban quản lý Nhà máy nước thị trấn Yên Thành” - ông Hoàng Minh Quân cho biết thêm.

Bảng giá nước dự kiến sẽ ban hành.
Ông Phạm Văn Việt - Giám đốc Công ty CP cấp nước Thái Hòa cho biết thêm: Giá tiêu thụ nước sạch trình tỉnh lần này ở Thái Hòa là không tăng so với trước, như vậy là rất tốt. Bởi hiện nay người dân khu vực miền núi vẫn chưa mặn mà việc dùng nước sạch, hiện công ty mới khai thác được 5.600 khách hàng dùng nước. Nếu tăng giá thì họ sẽ dùng nước giếng khoan vừa không đảm bảo sức khỏe vừa lãng phí nguồn đầu tư của nhà nước.

Tìm hiểu được biết, trong các công ty cấp nước nói trên thì chỉ có giá nước của Công ty CP cấp nước Quỳnh Lưu là tăng (3%), còn lại không tăng hoặc giảm. Mức giá trình tỉnh đưa ra đã bao gồm thuế, chi phí dịch vụ bảo vệ môi trường rừng là 52 đồng/m3; chưa bao gồm phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt và phí thoát nước theo quy định; chi phí nước thô đầu vào được cơ cấu trong giá tiêu thụ sản phẩm nước sạch lấy từ các công ty thủy lợi là 900 đồng/m3.

Phương án giá nước được đưa ra dựa trên báo cáo, đề xuất của 4 đơn vị cấp nước và đề xuất mức giá trong điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể tại địa phương và có mức giá khác nhau do sự khác biệt yếu tố đầu vào.

Bà con Quỳnh Lưu nhiều nơi chưa có nước máy để dùng phải dùng nước giếng khoan. Ảnh: Việt Hùng

Cụ thể: Công ty  CP cấp nước Thái Hòa sử dụng nước ngầm và nước mặt từ sông Hiếu nên chỉ phải trả tiền thuế tài nguyên mà không phải trả tiền nước thô cho các công ty thủy nông; Công ty CP cấp nước Diễn Châu, Công ty CP cấp nước Quỳnh Lưu, Ban quản lý Nhà máy nước thị trấn Yên Thành mua nước thô của các công ty thủy nông (900 đồng/m3).