Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: “Để chủ động các biện pháp ứng phó với dịch, hạn chế các ảnh hưởng của cung – cầu, giá cả các mặt hàng khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở đã lên kế hoạch tác chiến, kịch bản ứng phó dịch bệnh theo 5 cấp độcụ thể. Theo đó, bảo đảm nguồn cung hàng hóa khi nhu cầu của người dân tăng đột biến, cũng như trường hợp nhiều địa phương trong tỉnh phải cách ly”.
Trên cơ sở đánh giá số dân, nhu cầu và thói quen tiêu dùng, đặc điểm hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã xây dựng kịch bản cung ứng hàng hóa theo 5 cấp độ của dịch. Cụ thể:
Cấp độ 1: Có trường hợp dịch bệnh xâm nhập trên địa bàn tỉnh và xuất hiện 01 khu vực cách ly thuộc địa bàn phường, xã, thị trấn với số người trong khu vực cách ly 200 người và 1.500 người cách ly tại nơi ở trong thời gian 28 ngày.
Cấp độ 2: Khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn tỉnh, xuất hiện nhiều khu vực cách ly.
Cấp độ 3: Trên địa bàn tỉnh có từ 20 ca nhiễm đến trên 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên và nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn huyện, thành phố, thị xã.
Cấp độ 4: Trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 - 3.000 trường hợp mắc, 21 huyện, thành phố, thị xã đều có khu cách ly.
Cấp độ 5: Trên địa bàn tỉnh có trên 3.000 - 30.000 trường hợp mắc bệnh khiến cho khoảng 1 triệu người dân tỉnh Nghệ An có nguy cơ lây nhiễm cao (chiếm 1/3 dân số trên địa bàn tỉnh); người dân trên địa bàn chỉ ra khỏi nơi ở để mua nhu yếu phẩm.
Ở các cấp độ 1, 2, 3, các doanh nghiệp thực hiện điều tiết, luân chuyển hàng hóa không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Đối với cấp độ 4, 5, Sở sẽ tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối dồn tổng lực hàng hóa; mở thêm các kho dự trữ hàng, các điểm bán tại các địa phương và trong trường hợp cần thiết sẽ lập thêm các kho dã chiến.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương chủ động cùng các doanh nghiệp liên hệ với các tỉnh, thành phố khác để đưa hàng hóa về Nghệ An phục vụ nhân dân trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, báo cáo tỉnh cho bổ sung các xe chở hàng từ Công an, Quân đội hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa từ các tỉnh về Nghệ An, từ kho tới hệ thống phân phối và thực hiện giới hạn lượng hàng hóa bán ra với mỗi khách hàng cá nhân khi dịch diễn biến trên diện rộng. Xin điều động lực lượng khác hỗ trợ khi cần thiết, đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân và các khu vực cách ly.
Về phía các doanh nghiệp, bà Võ Thị Thảo - Phó Giám đốc một công ty trên địa bàn TP. Vinh, cho biết: "Các kho hàng dự trữ doanh nghiệp đã tăng nguồn hàng thiết yếu dự trữ khoảng 3 lần, kịp thời cung ứng cho TP. Vinh và các huyện trong tỉnh. Trong trường hợp hàng hóa tiêu thụ nhanh, chúng tôi sẽ huy động xe vận chuyển liên tục, trong thời gian ngắn nhất để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, khan hàng".
Hiện các siêu thị, các cửa hàng thực phẩm trên địa bàn Nghệ An vẫn hoạt động bình thường, lượng hàng liên tiếp được bổ sung trên các quầy kệ, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Đồng thời, tăng cường bán hàng trực tuyến,chuyển giao nhận hàng tại nhà, thanh toán qua thẻ để hạn chế tối đa việc tiếp xúc, tụ tập đông người, góp phần đẩy lùi tốc độ lây lan của dịch bệnh.
Ông Đậu Minh Khang - Trưởng BQL Trung tâm mua sắm chợ Sen (Nam Đàn) cho biết: “Hiện lượng hàng hóa tại đây đang rất dồi dào, mấy ngày gần đây nhu cầu mua các mặt hàng thiết yếu có tăng nhẹ, giá cả vẫn bình ổn. Hiện chúng tôi đẩy mạnh bán hàng online, đặt hàng qua điện thoại, giao hàng miễn phí tại nhà để giảm lượng người đến mua trực tiếp tại trung tâm”.
Năng lực sản xuất trong tỉnh thừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng
Hiện nay, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, TP. Vinh đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 từ 00h ngày 19/6, Diễn Châu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15. Theo đó, chợ dân sinh, siêu thị, các cửa hàng kinh doanh mặt hành thiết yếu vẫn mở cửa phục vụ người dân bình thường. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, lo lắng, không đổ xô mua hàng hóa tích trữ, gây nhiễu loạn thị trường và tăng nguy cơ lây lan dịch do tập trung đông người.
Hiện, Sở Công Thương đã có đánh giá cụ thể việc khai thác, dự trữ và cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, đối với nhóm hàng lương thực, dự kiến đủ đáp ứng nhu cầu, trong đó: Tổng nhu cầu tiêu thụ gạo bình quân toàn tỉnh khoảng 16.000 tấn/tháng (mức tiêu thụ bình quân cá nhân 05kg/người/tháng). Lượng gạo hiện có tại các cơ sở phân phối dự kiến khoảng 2.500 tấn (chủ yếu tập trung tại Công ty CP Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, siêu thị BigC, MM Mega market, hệ thống Vinmart, các cửa hàng lương thực, cửa hàng kinh doanh tổng hợp, các chợ…), có thể nhập về khoảng 10.000 tấn trong vòng 5-7 ngày. Đồng thời, các hộ gia đình tự túc lương thực và dự trữ ước tính khoảng 15.000 tấn.
Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống: Nhóm thịt gia súc, gia cầm và thủy hải sản: Tổng nhu cầu thực phẩm tươi sống bình quân toàn tỉnh khoảng 13.000 tấn/tháng; Sản lượng sản xuất trong tỉnh có thể đáp ứng khoảng: 38.330 tấn (trong đó 19.750 tấn thịt gia súc, gia cầm; 18.580 tấn thủy sản các loại, trứng gia cầm khoảng 100.000 quả).
Nhóm rau xanh các loại: Tổng nhu cầu tiêu thụ rau bình quân khoảng 32.000 tấn/tháng; Sản lượng tại chỗ có thể đáp ứng khoảng 39.947 tấn/tháng.
Đối với nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng:Về nhu cầu (đường, sữa, nước mắm, bột canh, mỳ chính, mỳ tôm; lương khô; dầu ăn; muối I ốt) ước khoảng 9.000 tấn/tháng. Hiện các đơn vị có thể cung ứng ngay nước mắm khoảng 500 tấn; dầu ăn khoảng 1.000 tấn; sữa tươi khoảng 250 tấn; bột ngọt 200 tấn; mì ăn liền khoảng 20 tấn; bánh mì ăn liền 5 tấn. Đối với nhu cầu tăng có thể đáp ứng bằng các nhập hàng về hàng ngày và lượng dự trữ có thể đáp ứng tăng khoảng 20-30% so với nhu cầu khi có biến động.
Theo đó, có thể khẳng định nguồn cung về lúa gạo, rau củ, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm nội tỉnh hiện đang rất dồi dào, thậm chí dư thừa khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các mặt hàng thiết yếu như: Dầu ăn, nước mắm, đường, sữa, thuốc men... ở các siêu thị, doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng dồi dào, phong phú, giá cả ổn định. Trong trường hợp cấp thiết, tỉnh sẽ điều tiết, phân phối nguồn hàng, kết nối nguồn cung từ các địa phương khác để đáp ứng nhu cầu của người dân, không lo thiếu hàng, khan hàng, đội giá./.