Giá rau xanh tăng mạnh
Mồng Bốn Tết, trước các cổng chợ trên địa bàn Nam Đàn đã tấp nập bán mua, hầu hết là các tiểu thương bán các loại thực phẩm như: thịt, cá và rau xanh các loại. Trong đó, các hàng rau xanh đông đúc và nhộn nhịp người mua nhất.
Mới non trưa, các hàng rau ở chợ Sa Nam hầu hết đã bán hết, những người đi chợ muộn đành về không vì không còn rau để mua. "Mở hàng đầu năm, tôi hái rau vườn nhà, chủ yếu là rau cải, mồng tơi đi chợ lấy vía. Vậy mà chỉ 30 phút, gánh rau hết sạch, dễ bán lại được giá. Bình thường 20 bó rau cải may mắn lắm bán được 60.000 đồng, nay bán được 150.000 đồng", bà Đinh Thị Lan vui vẻ cho biết.
Không chỉ ở các chợ huyện, giá cả các loại thực phẩm ở các chợ quê tăng nhẹ, riêng rau xanh tăng giá mạnh so với những ngày trước Tết. Theo khảo sát tại các chợ quê vùng Thanh Chương, Anh Sơn, Nam Đàn, Nghi Lộc... rau xanh “đội giá” cao gấp đôi, gấp ba ngày thường. Dù vậy, nguồn cung cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Bà Phan Thị Tý, xã Hòa Sơn, Đô Lương cho biết: “Hôm nay tổ chức ăn bữa cơm tân niên, tiễn các con lên đường quay lại thành phố làm việc nên nhu cầu rau xanh tăng cao”.
Mặc dù rất đắt đỏ song rau xanh tiêu thụ khá nhanh, mạnh.
Theo lý giải của các tiểu thương, sở dĩ sau Tết giá rau xanh tăng mạnh là do, thời tiết mưa lạnh, rau khó phát triển; trong khi đó, người dân vẫn đang còn ăn chơi Tết, chưa quay lại thu hoạch, cung ứng nên lượng rau xanh khan hiếm trong khi rau là loại khó dự trữ. Thứ 2, sau Tết, nhu cầu rau xanh tăng cao khi mấy ngày Tết lạnh, người dân ăn lẩu nhiều. Thứ ba, sau Tết, hoạt động kinh doanh buôn bán tại các chợ chưa quay trở lại nên người bán ít hơn người mua nên giá cả tăng...
Ổn định thị trường sau Tết
Ngày mồng 1 Tết các gia đình vui Xuân đón Tết nên các cửa hàng đóng cửa, đến mồng Hai Tết một số cửa hàng đã mở cửa trở lại. Tại một số chợ đã có thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt lợn và rau xanh bày bán.
Đến ngày mồng Ba Tết các siêu thị trên địa bàn đã mở cửa để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Ngày mồng Bốn Tết lượng hàng hóa bày bán tại các chợ phong phú hơn. Giá cả hầu hết các mặt hàng vẫn giữ như những ngày trước Tết, lượng người mua hàng còn ít. Giá cả một số mặt hàng có biến động trước tết đang có xu hướng giảm về mức như những ngày thường.
Lương thực, thực phẩm: Các loại gạo, nếp giá bán lẻ tăng nhẹ từ 200-300 đồng /kg, gạo nếp Hà Nội 24.000 - 26.000 đồng/kg, gạo tẻ thường 10.200 - 12.000 đồng/kg; giá thịt gà hơi giao động từ 110.000 -120.000 đồngkg. Tuy nhiên, thịt bò, thịt lợn vẫn neo gia mức cao: giá thịt bò thăn 250.000 - 300.000 đồng/kg; bò bắp 260.000 - 300.000 đồng/kg; thịt lợn mông 120.000 - 150.000 đồng/kg.
Giá bia tăng từ 3-5% so với thời điểm trước tết.
Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương, trước Tết, Sở Công Thương đã có Công văn số 1952/SCT-QLTM ngày 25/11/2019 đề nghị đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2020, trong đó tập trung chỉ đạo các các doanh nghiệp phân phối thực phẩm và các chợ trên địa bàn tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi tập trung có phương án đảm bảo nguồn cung thịt lợn và các sản phẩm thay thế thịt lợn.
Hàng hóa phục vụ Tết năm nay mẫu mã phong phú, đa dạng, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định. Trong dịp Tết Nguyên đán, các siêu thị, các cửa hàng tiện ích và trung tâm thương mại, các nhà phân phối hàng hóa, các chợ trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và cam kết nguồn cung luôn dồi dào, giá bán các mặt hàng thiết yếu vẫn sẽ ổn định vào những ngày giáp Tết hay sau Tết. Một số doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện đăng ký các điểm bán các mặt hàng thiết thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán.