(Baonghean.vn)- Trước diễn biến sâu bệnh phức tạp trên lúa Hè thu và lúa Mùa, UBND tỉnh Nghệ An có công điện khẩn đề nghị các cơ quan chức năng và người dân vào cuộc, cứu lúa.

 » Nghệ An: Gần 23.000ha lúa nhiễm bệnh bạc lá, khô vằn

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & PTNT, hiện nay, lúa vụ Hè thu đang ở thời kỳ ôm đòng đến chín sáp; vụ Mùa ở thời kỳ đẻ nhánh đến làm đòng. Trên đồng ruộng, rầy nâu, rầy lưng trắng đang phát sinh gây hại với mật độ phổ biến 300 - 500 con/m2, nơi cao 2.000 - 3.000 con/m2, cá biệt trên 5.000 con/m2. Toàn tỉnh hiện có trên 3.000 ha nhiễm rầy, trong đó có trên 100 ha nhiễm nặng.

Nông dân Hưng Nguyên phun thuốc diệt rầy sâu hại lúa. Ảnh: Thanh Tâm
Nông dân Hưng Nguyên phun thuốc diệt rầy nâu hại lúa. Ảnh: Thanh Tâm

Thời gian tới rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ tiếp tục gia tăng cả về phạm vi và mức độ gây hại, nhiều diện tích có mật độ rầy cao sẽ gây “cháy rầy” làm ảnh hưởng lớn đến năng suất nếu không được tổ chức phun trừ kịp thời, hiệu quả.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rầy nâu, rầy lưng trắng gây ra đối với sản xuất lúa vụ Hè thu - Mùa 2017. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thực hiện tốt các nội dung sau:

Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị thành lập các đoàn chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh để tập trung chỉ đạo các ban, ngành chức năng trên địa bàn bám sát cơ sở để tổ chức tuyên truyền, chỉ đạo nông dân thực hiện phòng trừ kịp thời đối với rầy nâu, rầy lưng trắng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt các quy định của UBND tỉnh về quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn những nơi rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại nặng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tập trung chỉ đạo phòng trừ kịp thời, hiệu quả; Chủ động cân đối ngân sách địa phương để hỗ trợ nông dân những vùng có rầy phát sinh, gây hại lớn; Làm việc với các công ty kinh doanh thuốc BVTV để cung ứng cho nông dân các loại thuốc đặc hiệu theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn để phòng trừ có hiệu quả.

Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công lãnh đạo Sở và các phòng liên quan tổ chức kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng ở các địa phương; đặc biệt là các địa phương có diện tích rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại lớn để phối hợp với UBND các huyện, thành, thị nắm bắt tình hình và có giải pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời; Thành lập các đoàn chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh để phối hợp với các địa phương tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo nông dân phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trẳng có hiệu quả.

Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật cử cán bộ tại Văn phòng Chi cục và các Trạm trực thuộc bám sát cơ sở để điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo chính xác những diện tích cần phòng trừ và thông báo kịp thời để các địa phương và nông dân tổ chức phòng trừ hiệu quả, tránh tình trạng chủ quan không phun hoặc phun thuốc ở những diện tích không cần phun gây ảnh hướng đến môi trường và tốn kém cho người dân; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật để phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp kinh doanh thuốc ngoài danh mục, thuốc giả, thuốc kém chất lượng; Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền về tình hình phát sinh, phát triển, gây hại cúa rầy và khuyến cáo, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả;

Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông cử lực lượng cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, tập trung phối hợp với ngành Trồng trọt & bảo vệ thực vật, UBND các cấp để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời, có hiệu quả cao; phối hợp với Sở Tài chính để tham mưu trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua thuốc phòng trừ rày nâu, rầy lưng trắng cho các địa phương phòng trừ kịp thời khi thấy cần thiết; đặc biệt ưu tiên đối vói các huyện miền núi cao.

Yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tham mưu kịp thời để UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng cho các địa phương trong trường họp cần thiết, nhằm khống chế sự phát sinh, phát triển của rầy; đặc biệt là các huyện miền núi cao...

P.V

TIN LIÊN QUAN