Vụ hè thu năm nay, toàn xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) gieo cấy 501ha lúa hè thu; lúa chín rộ trên các vùng đồng trong khi xã đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Để chủ động nguồn máy gặt cho bà con, không để tình trạng khan hiếm máy gặt dẫn đến chặt chém giá cả, ngay từ khi lúa mới chắc xanh, các xóm trưởng đã liên hệ với các chủ máy gặt ở các nơi để đặt máy.
Sau đó, các xóm báo về cho xã thông tin về chủ máy gặt, đồng thời, xã mời các chủ máy cũng như xóm trưởng các xóm lên, phối hợp với công an để kiểm tra kết quả test Covid, thống nhất về giá cả, ký cam kết về việc thực hiện các biện pháp phòng dịch trong quá trình hoạt động trên các vùng đồng.
Chị Lê Thị Duyên, Công chức nông nghiệp xã Nghi Lâm cho biết: “Hiện Nghi Lâm đang thu hoạch lúa hè thu, cùng với 2 máy gặt sẵn có của người dân địa phương thì có 7 máy gặt từ các nơi về gặt thuê. Theo đó, các chủ máy đã ký cam kết với xã, xóm về mức giá 140.000 đồng/sào đối với diện tích lúa được mùa, đạt năng suất và 110.000 đồng/sào đối với diện tích mất mùa, kém năng suất. Hiện toàn xã đã thu hoạch được 1/3 diện tích”.
Với mức giá 140.000 đồng/sào được xem là phù hợp, còn với lúa mất mùa 110.000 đồng/sào thì theo các chủ máy gặt là “chỉ hòa vốn, tiền dầu và tiền nhân công”. Tuy nhiên, như anh Bùi Văn Phê, chủ máy gặt từ Ninh Phong (Hải Dương) về gặt thuê ở Nghi Lâm cho biết: “Dịch bệnh, ai cũng khó khăn cả nên chúng tôi thống nhất với địa phương chỉ lấy đủ tiền dầu, tiền nhân công, không có lãi đối với diện tích lúa mất mùa. Coi như cùng nhau hỗ trợ bà con mùa dịch”.
Còn tại địa bàn xã Thanh Mỹ, khi lúa trên đồng bắt đầu chín, xã đã ra thông báo về quy định giá gặt lúa trên địa bàn. Theo đó, giá sàn chung là 170.000 đồng/1 sào; đối với ruộng lầy, ruộng manh mún khó gặt, thì hộ có ruộng và chủ máy gặt thỏa thuận nhưng giá gặt không được phép quá 180.000 đồng/ 1 sào.
Nếu các chủ máy gặt tự nâng giá hoặc thu tiền máy gặt quá quy định trên thì nhân dân tin báo cho trưởng thôn và UBND xã biết để xử lý nghiêm. Đồng thời kêu gọi nhân dân tố giác tình trạng bảo kê máy gặt lúa trên địa bàn để thu phế, mọi tố giác Ủy ban nhân dân xã sẽ bảo vệ tuyệt đối thông tin cho người tố giác.
Ông Hoàng Tiến Thọ - Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết: “Việc quy định giá cả máy gặt đã được triển khai từ mùa gặt trước. Mức giá đưa ra dựa trên mức sàn chung trong huyện, trong tỉnh, đảm bảo người có máy cũng có tiền công mà người dân cũng không bị nâng giá quá mức”.
Với 5.800 ha lúa hè thu, thời điểm này, các địa phương ở Nam Đàn đã thu hoạch được khoảng 4.200 ha. Nhằm đảm bảo tình hình an ninh trật tự cũng như công tác phòng dịch Covid-19, huyện Nam Đàn đã chỉ đạo các địa phương thống nhất về mức giá, đồng thời yêu cầu chủ máy gặt chấp hành nghiêm túc biện pháp phòng dịch, đăng ký tạm trú với công an xã nếu muốn ở lại nhà dân trong thời gian thu hoạch lúa.
Riêng đối với xã Xuân Hòa, địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 16 nâng cao, người dân không được ra khỏi nhà, huyện và xã đã ký hợp đồng với các chủ máy gặt thu hoạch lúa hè thu giúp dân với mức giá 150.000 đồng/sào, sau khi gặt xong, đội tình nguyện vận chuyển lúa về tận nhà giúp dân.
Với mục tiêu kép, vừa đảm bảo tiến độ thu hoạch lúa hè thu, kịp thời sản xuất vụ Đông vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, UBND huyện Nam Đàn có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường khuyến cáo người dân không tập trung đông người, giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang đầy đủ; các chủ máy tới từ địa phương khác phải khai báo y tế đầy đủ, thực hiện các biện pháp phòng dịch; Cử lực lượng công an, thành viên các tổ kiểm soát dịch bệnh theo dõi quá trình thu hoạch lúa, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm.
“Từ giữa tháng 8, UBND huyện đã có công văn về “Tăng cường các giải pháp đẩy nhanh thu hoạch lúa hè thu 2021” trong điều kiện huyện nhà thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, yêu cầu các địa phương thăm đồng, đánh giá, xác định thời gian thu hoạch; thống kê rà soát lại số máy gặt hiện có trên địa phương, lên kế hoạch điều máy từ các địa phương khác về để đảm bảo thu hoạch cho người dân, không để bị động”.