Kế hoạch nêu rõ mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp, các giải pháp trọng tâm và quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện Kế hoạch. Cụ thể:
1. Về mục tiêu cụ thể: Đối với BHXH bắt buộc và BH thất nghiệp: Tỷ lệ tổng số lao động trên địa bàn tỉnh tham gia chiếm ít nhất 90% số đối tượng thuộc diện tham gia vào cuối năm 2019 và chiếm ít nhất là 95% vào cuối năm 2020.
- Đối với BHXH tự nguyện: Tốc độ gia tăng đối tượng tham gia năm sau so với năm trước, ít nhất bằng 30% - 50% so với năm trước.
2. Về chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019 - 2020.
3. Về giải pháp thực hiện:
3.2. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH; tập trung kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu trốn đóng, đóng không đủ số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp; doanh nghiệp chậm đóng, nợ đọng BHXH, BH thất nghiệp kéo dài; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm chính sách pháp luật BHXH, BH thất nghiệp.
3.3. Tập trung đôn đốc, yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động thực hiện nghiêm trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp; trong đó lưu ý đối với một số nhóm đối tượng người lao động đang làm việc trong các hộ kinh doanh, tổ hợp tác, các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã; người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
3.5. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách đối với người lao động, đặc biệt tập trung thực hiện tuyên truyền đối với chính sách BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ một phần tiền đóng của nhà nước, các quy định mới về đóng BHXH, các quy định về chế tài áp dụng cho các tội danh liên quan tới BHXH theo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
3.6. Phát triển mở rộng mạng lưới đại lý thu, đảm bảo mỗi thôn, bản, xóm có ít nhất một điểm thu. Thường xuyên tổ chức đào tạo, trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, vận động, tư vấn về chính sách, pháp luật BHXH tự nguyện cho đội ngũ nhân viên đại lý thu. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống đại lý thu BHXH.
3.7. Kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện; huy động các nguồn lực xã hội, ngân sách địa phương hỗ trợ tiền đóng BHXH cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH.
3.8. Tổ chức đánh giá, thực hiện việc sơ kết, tổng kết, đánh giá định kỳ trong quá trình triển khai phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp thực hiện.
4. Về tổ chức thực hiện: Để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu nêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành; tổ chức chính trị xã hội; UBND các huyện, thành phố thị xã trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả những nội dung sau:
4.1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã: Hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm túc công tác báo cáo, khai trình việc sử dụng lao động theo đúng quy định tại Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về việc làm và Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH ngày 29/8/2014 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16/01/2014 của Chính phủ; thông báo tình hình biến động lao động theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BH thất nghiệp và Điều 16 Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BH thất nghiệp.
- Tuyên truyền, phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh và các cơ quan liên quan: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, tập trung các giải pháp tuyên truyền, vận động, đối thoại chính sách với người lao động, người sử dụng lao động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BHXH, BH thất nghiệp, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những đơn vị, doanh nghiệp cố tình không đóng, đóng không hết số lao động phải tham gia, nợ BHXH, BH thất nghiệp kéo dài.
- Định kỳ hằng năm, phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổng hợp tình hình thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp của các địa phương và vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
4.2. BHXH tỉnh Nghệ An:
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương và cơ quan đơn vị có liên quan xây dựng nội dung, tổ chức tuyên truyền về chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp đồng bộ, hiệu quả. Trên cơ sở đó, thực hiện phát triển đối tượng tham gia BHXH nhằm đạt chỉ tiêu đã đề ra.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế Đông Nam và các cơ quan có liên quan xác định số đơn vị, số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp. Phối hợp với các đơn vị có liên quan để đôn đốc, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia BHXH, BH thất nghiệp đầy đủ cho người lao động.
- Thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, trong đó tập trung thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp đang cố tình không đóng, nợ đóng BHXH, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp.
- Phối hợp cung cấp hồ sơ các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp cho các cơ quan có thẩm quyền (Công an, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội…) để điều tra, xử lý theo quy định.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ đảm bảo việc giải quyết các chế độ BHXH đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.
- Mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, có giải pháp khuyến khích các địa phương vận động, phát triển đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện.
4.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Phối hợp, cung cấp cho cơ quan BHXH tỉnh thông tin, dữ liệu doanh nghiệp đăng ký thành lập mới để nắm bắt, theo dõi khai thác, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đăng ký lao động theo quy định.
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hằng năm của tỉnh.
4.4. Cục Thuế tỉnh
- Kết nối thông tin dữ liệu, trao đổi thông tin tự động liên quan đến đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, số lao động đang làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với cơ quan BHXH tỉnh kiểm tra, rà soát lao động, quỹ tiền lương của doanh nghiệp, đối chiếu với lao động, quỹ tiền lương kê khai quyết toán thuế với kê khai tham gia BHXH của doanh nghiệp.
4.5. Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam
4.6. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết số 102/NQ-CP, các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện về BHXH và lợi ích của việc tham gia BHXH, BH thất nghiệp trên các báo, đài, phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc tham gia BHXH, BH thất nghiệp, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
4.7. Công an tỉnh Nghệ An: Chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH tỉnh đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ nhằm đấu tranh, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp.
4.8. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh: Chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp; vận động người lao động tham gia BHXH, BH thất nghiệp theo chức năng, thẩm quyền; tổ chức giám sát việc thực thi pháp luật tại các đơn vị, doanh nghiệp và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về BHXH.
4.9. Đề nghị UB MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp: Tăng cường các hoạt động giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện chính sách BHXH; phối hợp tuyên truyền, vận động người lao động, nhân dân tham gia BHXH, BH thất nghiệp trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh.
4.10. UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Căn cứ chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của tỉnh, xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương; trình HĐND cùng cấp quyết định; tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm đạt được chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH đã đặt ra.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ số doanh nghiệp đang hoạt động, số lao động đang làm việc và số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tính tuân thủ trong tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp tham gia BHXH bắt buộc đầy đủ cho người lao động.
- Xây dựng kế hoạch triển khai, đôn đốc, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH; đặc biệt là tăng cường vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện;
- Hằng năm tổng hợp tình hình thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BH thất nghiệp trên địa bàn và vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.