(Baonghean) - Thời điểm này người dân các vùng nuôi tôm trên địa bàn Nghệ An đang khẩn trương xử lý môi trường ao nuôi, tiếp tục thả tôm vụ 1 - vụ nuôi quan trọng nhất trong năm.

Dè dặt xuống giống tôm

Vụ 1 năm nay gia đình ông Trần Văn Thường ở xóm 14, xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) nuôi gần 4 ha tôm (12 ao). Trong điều kiện nuôi tôm ngày càng khó khăn do môi trường ô nhiễm và chất lượng giống không đảm bảo khiến ông Thường cũng như nhiều hộ khác băn khoăn. Do đó để chuẩn bị cho vụ nuôi mới năm nay gia đình ông đã quyết định đầu tư xây dựng thêm ao lắng nước 3.000 m2 và ao chứa bùn thải 500 m2 để phục vụ cho quy trình nuôi khép kín, hạn chế dịch bệnh.

Công tác vệ sinh ao đầm, nạo vét đáy bùn, xử lý môi trường nước,... cũng được gia đình quan tâm cẩn trọng hơn. Ông Thường chia sẻ: "Đến thời điểm hiện nay nhà tôi đã thả được 1,5 triệu giống với diện tích 2 ha, đang chuẩn bị thả giống cho 2 ha còn lại".

images1490947__nh_1.jpgNgười dân phường Mai Hùng (Thị xã Hoàng Mai) cải tạo ao đầm chuẩn bị thả giống vụ mới.

 Xã Quỳnh Thanh có 129 hộ nuôi tôm với diện tích 75 ha, hiện nay toàn xã đã thả giống được 10 ha, và bà con đang tiếp tục xuống giống để sớm khép kín diện tích nuôi.

Kế hoạch nuôi tôm vụ 1 năm nay của huyện Quỳnh Lưu gồm 465 ha ở các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Thanh, An Hòa, Quỳnh Đôi, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Thuận, Sơn Hải,.. đến nay bà con mới xuống giống được 20 ha; Bên cạnh đó, Thị xã Hoàng Mai cũng có 380 ha nuôi tôm vụ 1 ở 7/10 phường, xã, hiện tại người dân thị xã mới thả giống được 20 ha. 

Chú trọng vệ sinh ao đầm, kỹ thuật nuôi thả

Để có một vụ nuôi an toàn hơn, các cơ quan chuyên môn và thị xã Hoàng Mai tăng cường quản lý chất lượng tôm giống, ổn định diện tích nuôi tôm mặn lợ, khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi để nâng năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đồng thời khuyến cáo bà con lựa chọn nguồn tôm giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt đảm bảo kích cỡ và phải lấy mẫu kiểm định chất lượng trước khi thả nuôi. Các hộ nuôi cần chủ động nguồn giống bằng hợp đồng hoặc cam kết với các cơ sở sản xuất, cung ứng giống có uy tín; Thả giống đúng lịch thời vụ, mật độ phù hợp với trình độ thâm canh.

Hiện toàn huyện Quỳnh Lưu mới thả nuôi được 20 ha.

Năm nay lịch thời vụ thả tôm vụ 1 từ 1/3 - 30/5, tuy nhiên đầu tháng 3 thời tiết còn rét lạnh và có gió mùa nên diện tích xuống giống của toàn tỉnh còn ít. Theo thống kê của Chi Cục nuôi trồng thủy sản, đến nay người nuôi tôm trong tỉnh mới thả giống được gần 100 ha/1.350 ha.

Ông Trần Xuân Học, Chi Cục Trưởng Chi cục nuôi trồng thủy sản cho biết: "Năm nay Chi cục định hướng cho bà con giãn thời gian thả giống để người dân có thời gian cải tạo ao đầm, xử lý ao nuôi kỹ hơn. Rút kinh nghiệm của các năm trước, không thả giống đồng loạt, tránh thiếu giống cục bộ".

Thực tế cho thấy người dân ngày càng chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt với con tôm-một loài giống rất nhạy cảm, khó nuôi, chi phí đầu tư cao. 

Tôm vụ 1 năm 2015 bị chết do hạn hán là nỗi ám ảnh của người nuôi tôm Nghệ An. Ảnh Thanh Quỳnh.

                                                                            Quỳnh Lan

TIN LIÊN QUAN