Chủ trì hội nghị từ điểm cầu Hà Nội có đồng chí Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư; đại diện các ban, bộ ngành và đại diện điểm cầu 14 tỉnh, thành khu vực.
Chủ trì hội nghị từ điểm cầu Nghệ An có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Cùng dự có đại diện các ban, sở ngành cấp tỉnh.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên bao gồm 14 tỉnh, thành và là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Năm 2021, mặc dù triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn do đại dịch Covidnhưng các tỉnh trong vùng đã bám các chỉ đạo của Chính phủ nên đến nay, cơ bản đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu theo kế hoạch.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội trong vùng 8 tháng đầu năm và những tháng còn lại của năm 2021, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư mong muốn các địa phương trong vùng thảo luận góp ý nêu lên những thuận lợi và khó khăn để từng bước tháo gỡ, đồng thời xây dựng các chỉ tiêu kinh tế xã hội và đầu tư công năm 2022.
Theo đó, cùng với phấn đấu để đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước GRDP từ 7-8%, trong đó Nghệ An là 8-9%; thu nhập bình quân đầu người cả nước từ 65- 68 triệu đồng (Nghệ An là 53,81 triệu đồng), tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tăng 9% với 655 ngàn tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn 176 ngàn tỷ đồng/chỉ tiêu Bộ Tài chính giao dự kiến năm 2022 là 158,9 ngàn tỷ đồng.
Dự kiến năm 2022, nhu cầu vốn đầu tư công trong vùng là 91.641 ngàn tỷ đồng, tăng 34,55% so với năm 2021, hiện 3/14 tỉnh, thành trong đó có Nghệ An đã được HĐND tỉnh thông qua phương án đầu tư công năm 2022, 14/14 tỉnh đã nhập lên hệ thống đầu tư công quốc gia khớp với văn bản chính thức. Do nhu cầu đầu tư tăng trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực có nhiều khó khăn và để triển khai hiệu quả, đúng mục đích, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị rà soát lại các kế hoạch, quy hoạch để xác định nguồn sát thực, tăng cường liên kết vùng, chia sẻ thông tin để tránh đầu tư trùng lắp, lãng phí…
Phát biểu tại hội nghị, đại diện một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Đắc Nông, Thanh Hóa… phát biểu nêu lên một số lý do chưa đạt chỉ tiêu tăng trưởng cũng như tăng thu ngân sách, kinh nghiệm và giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; lý do đề xuất đầu tư công địa phương năm 2022 tăng so với năm 2021.
Tại hội nghị, tỉnh Nghệ An và một số tỉnh kiến nghị, nêu một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đầu tư trực tiếp ngoài ngân sách thì đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư ra sao; lĩnh vực đầu tư công còn có một số vướng mắc liên quan đến điều chỉnh kế hoạch hàng năm nguồn giữa địa phương và Trung ương nên đề nghị các bộ ngành sớm thông báo và ban hành kế hoạch giải ngân đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương để các tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch...
Trên cơ sở tiếp thu, lắng nghe các ý kiến phát biểu, đề xuất từ các tỉnh, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư giải đáp các đề xuất của các địa phương; đồng thời cho biết vùng miền Trung và Tây Nguyên là 1 trong các vùng trọng điểm kinh tế mà Bộ tổ chức trực tuyến với để nắm tình hình, xây dựng cơ sở dữ liệu kế hoạch cho năm 2022; đề nghị các địa phương bám sát Chỉ thị số 20/CT/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Bộ Kế hoạch & Đầu tư ghi nhận, cập nhật các thông tin và khó khăn riêng, đặc thù của các tỉnh trong khu vực để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022./.