Sáng 21/12, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết nuôi trồng thủy sản năm 2018. Dự hội nghị có đại diện các chi cục liên quan thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, các huyện, thị xã và một số hộ nuôi trồng thủy sản tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Xuân Hoàng Tăng sản lượng nuôi trồng Báo cáo của Chi cục Thủy sản cho thấy, năm 2018, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, khí hậu... nhưng người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng đầu tư theo hướng thâm canh, ứng dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào nuôi trồng; quan tâm và có những bước phát triển tốt.
Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2018 đạt 21.305 ha, bằng 101% KH và bằng 100% so cùng kỳ năm 2017. Trong đó diện tích nuôi ngọt đạt 18.900 ha, nuôi mặn lợ đạt 2.405 ha.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 52.964 tấn, bằng 104% kế hoạch và bằng 105% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó: Sản lượng nuôi ngọt đạt 41.517 tấn; sản lượng nuôi mặn lợ đạt 11.447 tấn (sản lượng tôm là 7.283 tấn).
Thu hoạch tôm ở phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai. Ảnh Việt Hùng Trong năm, các đơn vị sản xuất con giống sản xuất được 1 tỷ 930 triệu con giống tôm, bằng 161% so KH và bằng 112% so cùng kỳ năm 2017, trong đó: tôm sú đạt 215 triệu con, tôm thẻ đạt 1 tỷ 715 triệu con. Sản xuất cá giống các loại đạt 735 triệu con, bằng 147% KH và bằng 104% so cùng kỳ năm 2017. Sản xuất cua giống đạt trên 29 triệu con. Sản xuất, ương ngao giống đạt 2,5 tỷ con ngao cám.
Giá trị sản xuất ước đạt 2.900 tỷ đồng, bằng 111% so cùng kỳ năm 2017 (trong đó tôm đạt 1.141 tỷ đồng, bằng 115% so cùng kỳ năm 2017).
Cần có chính sách hỗ trợ
Tại hội nghị, đại diện các địa phương và người nuôi trồng thủy sản tham gia nhiều ý kiến, băn khoăn về vấn đề thị trường tiêu thụ, đặc biệt là cá nước ngọt truyền thống; môi trường nước trong vùng nuôi tôm bị ô nhiễm...
Các loại giống cá đặc sản chưa được nhiều và chưa phong phú. Tình trạng đánh bắt thủy sản bằng các hình thức xung điện, chất nổ còn nhiều, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, đặc biệt trên các hồ đập lớn.
Vì vậy, các địa phương và người nuôi trồng thủy sản mong muốn tỉnh kêu gọi doanh nghiệp vào lĩnh vực sản xuất các loại giống cá đặc sản; đề nghị tỉnh có trợ giá, trợ cước đối với người dân vùng miền núi đang phát triển mạnh lợi thế nuôi cá lồng trên các lòng hồ thủy điện.
Ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng: Mặc đù sản lượng thủy sản đạt, nhưng đối tượng nuôi chưa có sự đột phá, vẫn là các loại cá truyền thống là chính, chưa có nhiều sản phẩm đặc sản. Đối với nuôi tôm mặn lợ, người nuôi chưa áp dụng công nghệ mới nhiều. Đề nghị các ngành liên quan, các đơn vị sản xuất con giống trên địa bàn tỉnh tích cực hơn trong công tác nghiên cứu sản xuất nhiều giống cá đặc sản, cung ứng cho người nuôi thành công hơn.
Ông Trần Hữu Tiến đề nghị Chi cục Thủy sản lập văn bản gửi lên Sở Nông nghiệp và PTNT để trình UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ cho người nuôi trồng thủy sản về ứng dụng công nghệ mới; trợ giá, trợ cước đối với vùng miền núi.
Đồng chí Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trao Giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác nuôi trồng, phát triển thủy sản. Ảnh: Xuân Hoàng Năm 2019, kế hoạch diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 21.000 ha, trong đó diện tích nuôi ngọt 18.700 ha; nuôi mặn lợ 2.300 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 52.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi ngọt đạt 41.000 tấn; sản lượng nuôi mặn, lợ đạt 11.000 tấn (trong đó tôm đạt 6.800 tấn).
Về sản xuất giống: sản xuất, ương gièo tôm giống 1.400 triệu con; cá giống các loại đạt 700 triệu con.
Để đạt được mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các chi cục liên quan tiếp tục làm tốt công tác quản lý giống thủy sản; quản lý vùng nuôi, thức ăn và môi trường nước.
Dịp này, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tặng Giấy khen cho 9 tập thể, 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nuôi trồng phát triển thủy sản.